Vinashin tiếp tục thay nhân sự cấp cao

Vinashin tiếp tục thay nhân sự cấp cao

Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc Vinashin vừa ký quyết định bổ nhiệm 4 vị trí quan trọng trong tập đoàn.

Theo đó, ông Phạm Thanh Sơn, giữ chức vụ Phó tổng giám đốc Vinashin. Ông Trần Đức Chính giữ chức vụ Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính Kế toán Vinashin. Ông Bùi Thanh Bình giữ chức vụ Phó chánh văn phòng kiêm Trợ lý Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin và ông Tôn Nhật Quang, giữ chức vụ Phó chánh văn phòng Tập đoàn kiêm Trợ lý Tổng giám đốc Vinashin.

Hôm 6/10, nguyên Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) - Trương Văn Tuyến chính thức ngồi vào chiếc ghế nóng Tổng giám đốc của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy (Vinashin), thay cho ông Nguyễn Quốc Ánh.

Ông Tuyến là người thứ 3 đảm nhận vị trí tổng giám đốc điều hành chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, kể từ khi cựu Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Phạm Thanh Bình bị bắt và đình chỉ chức vụ. Trước đó, chiếc ghế nóng này tạm thời giao cho ông Trần Quang Vũ rồi ông Nguyễn Quốc Ánh tiếp nhận.

Việc thay đổi nhân sự được coi là một trong số 3 nhiệm vụ quan trọng trong quá trình tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy VN (Vinashin). Hồi cuối tháng 10 trao đổi với báo chí, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định chậm nhất đầu tháng 11 sẽ cho ra mắt một Vinashin hoàn toàn mới, cả về bộ máy quản trị cũng như cách thức làm ăn.

Trong đó, mục tiêu mà Bộ Chính trị đặt ra là vẫn phải phát triển ngành công nghiệp đóng tàu, Vinashin chỉ làm những con tàu chủ lực và mời gọi sự tham gia của nước ngoài, tư nhân. Vinashin sẽ không phải làm tất cả, mà chỉ là chủ lực để đóng và sửa chữa những con tàu lớn, có thể tham gia vào công nghiệp tàu thủy của quốc phòng để sau này tiến tới làm những con tàu phục vụ chiến đấu.

Quyết định tái cơ cấu Vinashin được đưa ra trong bối cảnh tập đoàn này ngập sâu trong nợ nần. Theo kế hoạch, việc cơ cấu lại Vinashin được thực hiện theo hướng chuyển giao một số cơ sở và chi nhánh cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Mới đây, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng giao cho Bộ Tài chính xử lý đề nghị của Vinashin về việc sử dụng một phần nguồn trái phiếu quốc tế năm 2010 (khoảng 300 triệu đôla) để trả nợ đã đến hạn cho Ngân hàng Natixis (Pháp).

Trong bản báo cáo dài 18 trang mà Bộ Giao thông Vận tải gửi tới các đại biểu Quốc hội hôm 19/10 vừa qua đã nêu rõ thực trạng, năm 2009, Vinashin đã kinh doanh thua lỗ tới 1.600 tỷ đồng. Năm 2010, dự kiến sẽ tiếp tục thua lỗ.

Đến tháng 6/2010, tổng số nợ của tập đoàn là 86.000 tỷ đồng, trong đó nợ dài hạn khoảng 45.000 tỷ đồng, nợ đến hạn phải trả là 14.000 tỷ đồng. Tính chung, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lên đến gần 11 lần, khiến tập đoàn rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ phá sản. Tuy nhiên, tập đoàn đã không báo cáo trung thực về thực trạng của mình, trong năm 2009 vẫn báo lãi 750 tỷ đồng và quý I năm nay vẫn báo lãi gần 100 tỷ đồng.

Hồng Anh

Vnexpress