Thị trường hàng không VN: Hấp dẫn, nhưng thiếu cạnh tranh

Thị trường hàng không VN: Hấp dẫn, nhưng thiếu cạnh tranh

Theo Cục Hàng không Việt Nam, mức độ tăng trưởng ước tính của ngành hàng không VN năm 2011 là 14%. Đây là mức tăng trưởng được đánh giá cao, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tính cạnh tranh của thị trường chưa tỉ lệ thuận được với tỉ lệ tăng trưởng.

“Miếng bánh” tiềm năng

Trong 3 năm trở lại đây, hàng không VN nói riêng và hàng không thế giới nói chung vẫn chưa gượng dậy sau cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, do nhu cầu của một nước đang phát triển kinh tế, thị trường hàng không nội địa VN vẫn phát triển với tốc độ được đánh giá là cao. Ông Lại Xuân Thanh - Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN - cho biết: “Năm 2011, ước tính lượt hành khách của các hãng hàng không chuyên chở đạt khoảng 36 triệu qua cảng hàng không nội địa, tăng so với năm ngoái khoảng 14%”.

Sự gia tăng số lượng hãng hàng không sẽ giúp tăng tính cạnh tranh về chất lượng dịch vụ trên các chuyến bay.

Không chỉ có sự tăng trưởng ngoạn mục, trong vòng 5 năm trở lại đây thị trường hàng không nội địa VN bắt đầu xuất hiện những mô hình kinh doanh hàng không mới. Đầu tiên là sự xuất hiện của Jetstar Pacific Airlines (JPA) với mô hình hàng không giá rẻ đầu tiên tại VN - hướng đến phân khúc thị trường khách bình dân. Hành khách ở thị trường nội địa có cơ hội bay với giá rẻ hơn. Còn nhớ, ở thời điểm mới ra thị trường, thậm chí với giá vé 15.000 đồng khách hàng cũng có thể bay một chiều từ TPHCM – Hà Nội. Việc xuất hiện của JPA đã khiến thị  trường nội địa VN bước đầu bắt kịp sự phong phú, đa dạng của thị trường hàng không toàn cầu, đem lại cho khách hàng những sản phẩm mới tiện ích và kinh tế hơn.

Tiếp đó, thị trường hàng không nội địa càng phong phú hơn với sự ra đời của các hãng hàng không tư nhân là Indochina Airlines, Air Mekong. Người thành công với sự linh hoạt đón định chọn lọc phân khúc  thị trường hiệu quả , người thất bại phải ngừng bay và ngập trong nợ nần, cho thấy kinh doanh hàng không  chẳng phải dễ dàng.

Đến cuối năm 2011, thị trường hứa hẹn có thêm sự góp mặt của VietJet Air (VJA) – hãng hàng không tư nhân đầu tiên tại VN, hoạt động theo mô hình hàng không chi phí thấp. Điều này cho thấy thị trường hàng không VN đang là “miếng bánh” hấp dẫn các nhà đầu tư. Sự xuất hiện của hãng hàng không tư nhân thứ ba với mô hình hoạt động theo xu hướng thời đại, hứa hẹn đem lại sự phong phú, đa dạng cho thị trường hàng không nội địa.

Thêm lựa chọn bay giá rẻ

Tại VN, xu hướng hàng không mà các hãng hàng không tư nhân của thế giới lựa chọn là hàng không chi phí thấp - hay quen gọi là hàng không giá rẻ - mới chỉ có một hãng JPA áp dụng. Với thị trường sắp đạt tới 100 triệu dân, trải dài gần 3.000km đường chim bay, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của người dân sẽ ngày một lớn hơn. Ông Nguyễn Đức Tâm - Tổng Giám đốc VJA - cho biết: “Xu hướng của các hãng hàng không tư nhân trên thế giới lựa chọn là hàng không chi phí thấp, hay còn gọi là hàng không giá rẻ. Đối với thị trường tại VN, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của người dân càng lớn nên chúng tôi đã lựa chọn mô chi phí thấp, chất lượng cao”.

Tuy nhiên, những kinh nghiệm khi triển khai hàng không giá rẻ ở VN đã cho thấy, khách hàng mong muốn mức giá thấp nhưng yêu cầu chất lượng không thấp. Đứng trước những thách thức về chất lượng dịch vụ khi theo đuổi mô hình hàng không giá rẻ, ông Tâm cho hay VJA sẽ sử dụng đội máy bay mới, tuy đầu tư ban đầu lớn nhưng sẽ tiết giảm chi phí vận hành, khai thác và các chi phí đầu vào khác để đưa ra mức giá phù hợp với người dân VN. Đó là hệ thống đặt giữ chỗ, mua vé qua mạng Internet, giảm chi phí phân phối, sử dụng không nhiều nhân viên nhưng với tính chuyên nghiệp cao, được đào tạo bài bản ở nước ngoài cũng là một cách tiết kiệm chi phí.

Mục tiêu là như vậy, nhưng chất lượng dịch vụ ra sao vẫn phải chờ sự thẩm định của hành khách. Dù sao hành khách cũng có thêm một lựa chọn mới và thị trường hàng không VN có cơ hội tăng sức cạnh tranh để tự hoàn thiện dịch vụ phục vụ khách hàng.

Vinh Hải

Lao động