Quỹ mở: Giải tỏa tâm lý rút vốn

Quỹ mở: Giải tỏa tâm lý rút vốn

Với nhiều ưu thế hơn quỹ đóng, cho phép các nhà đầu tư chủ động hơn với đồng vốn của mình, đồng thời tạo ra áp lực điều hành quản lý tốt hơn với đội ngũ Cty quản lý quỹ, quỹ mở đang chiếm tới 95% tổng giá trị đầu tư của các quỹ toàn cầu.

Việc đưa quỹ mở vào hoạt động sẽ mở đường cho việc chuyển đổi của các quỹ và tránh được sức ép thoái vốn của các quỹ đóng theo kế hoạch

Với VN, sau rất nhiều chờ đợi, thông tư 183/2011/TT-BTC hướng dẫn thành lập và quản lý có hiệu lực từ tháng 2/2012 được kỳ vọng đem lại sinh khí mới cho TTCK.

Cơ hội và rủi ro

Thông tin từ UBCKNN cho thấy hiện có rất nhiều tổ chức lớn trong và ngoài nước như: HSBC, Citibank, Prudential, Menu Life, các Cty quản lý quỹ như VFM, SSI, Bảo Việt... chuẩn bị sẵn sàng triển khai một loạt sản phẩm quỹ trong thời gian tới. Nền tảng cho quỹ mới hoạt động là cơ sở pháp lý của quỹ mở.

Khi quỹ mở đưa vào sử dụng sẽ là cơ sở cho việc thành lập các loại hình quỹ khác nhau, trong đó, có quỹ đầu tư chỉ số ETF. Qũy mở cũng có ưu thế trong việc thu hút các nguồn lực trong nước như hình thành các quỹ hưu trí mở, quỹ bảo hiểm,.. và thu hút nguồn lực từ nước ngoài do tính linh hoạt hơn quỹ đóng khi bối cảnh kinh tế vĩ mô và TTCK thực sự thuận lợi.

Theo thống kê, các quỹ đầu tư tại VN có thể đóng theo kế hoạch trong năm 2012 với giá trị thoái vốn khoảng 24.000 tỉ đồng. Với bối cảnh thị trường hiện tại thì việc rút vốn này sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực đến TTCK nói riêng và thị trường tài chính nói chung. Việc đưa quỹ mở vào hoạt động sẽ mở đường cho việc chuyển đổi của các quỹ và tránh được sức ép thoái vốn của các quỹ đóng theo kế hoạch. Với quỹ mở, nhà đầu tư có thể rút vốn bất cứ lúc nào, Cty quản lý quỹ khi có yêu cầu của nhà đầu tư phải mua lại chứng chỉ quỹ, vì thế cơ cấu đầu tư vốn của quỹ mở không ổn định so với quỹ đóng. Dòng vốn có thể rút nhanh khỏi thị trường khi có những biến động bất lợi khiến TTCK dao động giá khá mạnh.

Các quỹ đầu tư tại VN có thể đóng theo kế hoạch trong năm 2012 với giá trị thoái vốn khoảng 24.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, để áp dụng quỹ mở đạt hiệu quả tốt nhất, các chuyên gia kinh tế cho rằng, TTCK VN cần một số điều kiện: Thứ nhất, TTCK có sự phục hồi đáng kể về giá trị giao dịch; thanh khoản thị trường phải đạt mức khá cao là những yếu tố quyết định để quá trình thành lập, huy động vốn của các quỹ mở hoặc chuyển đổi từ các quỹ đóng sang các quỹ mở được thành công và sớm diễn ra trong năm 2012; Thứ hai, hạ tầng công nghệ mới cho sự vận hành của các quỹ mở này khá phức tạp, cần có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng và sự hỗ trợ kỹ thuật của UBCK cho các quỹ khi thành lập hoặc chuyển đổi hình thức hoạt động.

Hỗ trợ từ cơ quan quản lý

Đề cập đến sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, ông Nguyễn Đoan Hùng -Phó chủ tịch UBCK Nhà nước cho biết, năm 2012, quỹ mở sẽ tạo đột phá trong hình thành các sản phẩm mới cho nhà đầu tư (NĐT), qua đó, tạo động lực lớn, thu hút họ tham gia thị trường, bởi tính chất hấp dẫn của các sản phẩm quỹ. Các Cty quản lý quỹ (QLQ) sẽ hoàn toàn chủ động, linh hoạt trong thiết kế, phát triển một loạt sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu đa dạng của NĐT.

Những hình thức tổ chức đầu tư mới được kỳ vọng xuất hiện đầu tiên là quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ liên kết bảo hiểm, quỹ đầu tư BĐS... Trên thực tế, trước đây Cty quản lý quỹ VN đã phối hợp với một số đơn vị để lập quỹ tự nguyện hưu trí. Theo đó, hàng tháng người lao động tham gia quỹ sẽ trích một tỷ lệ nhỏ trong tổng lương của mình để dầu tư. Khi về hưu, họ sẽ có khoản tiền đáng kể, cộng với lợi nhuận được chia hàng năm, ngoài ra họ có thể rút khoản đầu tư khi có yêu cầu. Quỹ đầu tư BĐS mà đối tượng chủ yếu là BĐS cho thuê cũng được kỳ vọng sẽ sớm xuất hiện, tạo ra những kênh tài chính thuận lợi cho thị trường bên cạnh việc trông chờ chủ yếu vào kênh dẫn vốn từ ngân hàng như hiện nay.

Trước mắt, hàng loạt quỹ đóng đến hạn từ năm 2012 trở đi sẽ được UBCK cho phép được chuyển sang quỹ mở. Đồng thời, các Cty QLQ tuỳ vào năng lực nhân sự, tài chính, công nghệ có thể lập vài quỹ đầu tư cho các mục tiêu khác nhau. Điều này phần nào giải tỏa áp lực rút vốn trên TTCK và hỗ trợ tâm lý rất lớn cho nhà đầu tư.

Ông Andy Ho - Giám đốc điều hành của Tập đoàn VinaCapital:

Việc ban hành Thông tư về quỹ mở sẽ tạo nền tảng cho các quỹ phát triển nhiều sản phẩm mới như: quỹ tương hỗ, quỹ đầu tư mạo hiểm, đặc biệt là quỹ hưu trí. Mỗi sản phẩm đều có tính chất rất riêng, nên sẽ thu hút được nhiều đối tượng NĐT có nhu cầu về lợi nhuận và rủi ro khác nhau tham gia. Sự lớn mạnh của ngành quỹ sẽ tạo ra nhu cầu đầu tư đối với cổ phiếu và trái phiếu ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp, qua đó, giúp làm tăng thanh khoản cho TTCK.

Thách thức lớn nhất đối với thị trường quản lý quỹ hiện nay là NĐT VN chưa quen với hình thức quản lý tài sản cá nhân thông qua các Cty quản lý quỹ chuyên nghiệp hoặc các dịch vụ bảo hiểm. Để thu hút NĐT tham gia thị trường quỹ, đòi hỏi các Cty quản lý quỹ cần phát triển sản phẩm đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng NĐT khác nhau.

Ông Phan Minh Tuấn - Phó tổng giám đốc Quỹ Dragon Capital:

Sản phẩm của quỹ mở rất đa dạng nên sẽ đáp ứng được yêu cầu của nhiều NĐT, nhất là những NĐT cá nhân có vốn nhỏ. Trên thực tế, mặc dù chưa cho phép quỹ đóng được chuyển thành quỹ mở, song quy chế mới đã cho phép các quỹ đóng được mua lại cổ phiếu quỹ, qua đó, tăng được giá trị thực cho cổ phiếu của họ.

Tuy nhiên, việc cung cấp thêm sản phẩm cho thị trường không phải là vấn đề cơ bản để có thể giữ chân dòng vốn thoái theo kế hoạch của các quỹ đóng (trong năm 2012, nhiều quỹ đóng đã đến hạn đóng quỹ). Điều quan trọng mà các NĐT quan tâm bây giờ là các tín hiệu kinh tế vĩ mô khởi sắc và những quyết tâm điều chính sách của Chính phủ đi vào thực thi.

Phạm Lan

DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP