Hàng không giá rẻ: Chưa rẻ

Hàng không giá rẻ: Chưa rẻ

Các chuyên gia trong ngành cho rằng hàng không giá rẻ hiện chưa thật sự rẻ. Cần có chính sách ưu đãi cho thị trường này

Hành khách đi máy bay của hàng không giá rẻ

Trong vòng 48 giờ từ ngày 2-2, hãng hàng không chi phí thấp VietJet Air tiếp tục mở đợt khuyến mãi giá rẻ chặng TPHCM - Hà Nội và ngược lại với giá vé 590.000 đồng/chặng, áp dụng bay trong giai đoạn từ ngày 1-3 đến 25-4.

Ngày càng cạnh tranh

Kể từ khi hoạt động vào cuối năm 2011, VietJet Air có nhiều chương trình bán vé giá rẻ tạo cơ hội cho nhiều người đi máy bay. Jetstar Pacific cũng thường xuyên mở các đợt khuyến mãi giá thấp vào thứ sáu hằng tuần. Trong một số đợt “siêu” khuyến mãi của hãng này, vé máy bay chặng TPHCM - Đà Nẵng, Hải Phòng, Vinh chỉ từ 250.000 đồng/chặng, khứ hồi Hà Nội - TPHCM từ 550.000 đồng/chặng… Hiện Jetstar Pacific đang thực hiện 40 chuyến bay mỗi ngày đến TPHCM, Hà Nội, Vinh, Hải Phòng, Đà Nẵng… phục vụ mỗi năm khoảng 2 triệu lượt khách.

Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh đánh giá thị trường hàng không nội địa còn nhiều tiềm năng khi kinh tế đang phát triển, thị trường xuất nhập khẩu, thương mại - dịch vụ và du lịch tăng trưởng mạnh.

Cùng với các hãng trong nước, nhiều hãng hàng không giá rẻ nước ngoài cũng đang khai thác và cạnh tranh gay gắt các đường bay quốc tế xuất phát từ Hà Nội, TPHCM như Air Asia, Tiger Airways, Cebu Pacific… Trung bình mỗi tuần, các hãng đều có đợt vé rẻ áp dụng cho khách hàng mua vé trước từ 2-3 tháng. Vé máy bay của các hãng này thông thường rẻ hơn từ 30%-40% so với vé truyền thống. Chủ một doanh nghiệp là đại lý cho các hãng này tại Việt Nam cho biết lượng khách đăng ký hàng không giá rẻ tăng nhanh khiến các hãng không ngừng đẩy mạnh thị trường. Cuối năm 2011, hãng Air Asia (Thái Lan) mở thêm đường bay từ Phuket tới Đà Nẵng.

Ông Pritam Singh, Phó Tổng Giám đốc VietJet Air, đánh giá “mảnh đất” của hàng không giá rẻ trên thị trường trong nước và khu vực vẫn còn rất lớn. Xu hướng hàng không chi phí thấp đang được nhiều người dân, khách du lịch trên thế giới ưu tiên chọn lựa.

“Hàng không hoãn chuyến”

Hàng không giá rẻ hoạt động dựa trên việc tiết giảm các chi phí như nhân lực, phục vụ mặt đất, dịch vụ trên không, chi phí quảng cáo, văn phòng… Còn các chi phí cố định chiếm đến 75% như thuê máy bay, kỹ thuật bảo dưỡng, nhiên liệu thì các hãng hàng không giá rẻ hay truyền thống đều như nhau. Theo đó, các hãng giá rẻ sẽ tự bán vé (thay vì thông qua đại lý), sử dụng một loại máy bay, một hạng ghế, không nối chuyến, không ăn uống… Càng đặt chỗ sớm, chịu khó “canh” chỗ trong các đợt khuyến mãi, hành khách càng có cơ hội mua vé rẻ hơn…

Thế nhưng, theo ông Võ Huy Cường, Trưởng Ban Vận tải Cục Hàng không, nếu nhìn nhận thẳng thắn, các hãng này chưa phải là hàng không giá rẻ với những người có nhu cầu bay nối chuyến, có nhu cầu đi lại theo đúng kế hoạch... Chỉ một số đợt “siêu” khuyến mãi, khách hàng mới có cơ hội mua được vé 10.000 đồng hoặc 100.000 đồng… Tuy nhiên, hành khách mua được vé này rất ít. “Không hãng nào bán vé dưới giá thành bởi kinh doanh phải có lợi nhuận. Vì vậy, hành khách mua vé 100.000 đồng/chặng thì cũng có hành khách phải mua vé 2-3 triệu đồng/chặng nếu mua đi ngay, sát ngày” - ông Cường nhận xét.

Thêm nữa, hàng không giá rẻ trong nước chưa chiếm được cảm tình của khách hàng. Tình trạng hoãn chuyến, hủy chuyến xảy ra khá thường xuyên với một số hãng khiến nhiều người ví von gọi “delay airlines” (hàng không hoãn chuyến) thay vì tên của hãng…

Giá rẻ là một phương thức kinh doanh mới trong ngành hàng không. Nhiều hãng nước ngoài xem thị trường này là mảnh đất màu mỡ, thu lợi nhuận lớn nhưng một số hãng trong nước lại liên tục thua lỗ. Đại diện một hãng hàng không giải thích ở các nước, hoạt động hàng không giá rẻ thường được ưu đãi về thuế, phí sân bay. Còn chúng ta lại chưa có chính sách ưu đãi đặc biệt nào để phát triển thị trường này. Từ thuế, phí sân bay đến chi phí thuê taxi sân bay, thuê ống lồng cho hành khách đi từ nhà ga ra máy bay… đều phải trả như các hãng truyền thống. Ngoài ra, ở nhiều nước, hàng không giá rẻ thường do các “đại gia” về tài chính đứng đầu. Họ mua hàng chục máy bay nên tiết giảm được chi phí. Ngược lại, các hãng trong nước đều phải thuê máy bay cùng chi phí bảo dưỡng đã chiếm một phần lớn chi phí của các hãng.

Sẽ phát triển nhanh

Thống kê mới đây từ Cục Hàng không, tăng trưởng ước tính của ngành hàng không Việt Nam năm 2011 là 14%. Còn theo dự đoán của ông Giovanni Bisignani, Tổng Giám đốc Hiệp hội Hàng không Thế giới (IATA): Dự kiến vào năm 2014, Việt Nam sẽ trở thành thị trường vận chuyển hành khách, hàng hóa quốc tế phát triển nhanh thứ 3 trên thế giới sau Trung Quốc, Brazil. Hiện tỉ lệ dân số Việt Nam đi máy bay còn rất thấp, chỉ khoảng xấp xỉ 1%.

Thái Phương

NGƯỜI LAO ĐỘNG