Quỹ DIAIF dự định đầu tư vào 3 công ty đại chúng

Quỹ DIAIF dự định đầu tư vào 3 công ty đại chúng

Ông Shinichiro Hori, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dream Incubator Việt Nam (DIJV) nhận xét, nhiều quỹ đầu tư Nhật Bản đang tìm kiếm cơ hội đầu tư cụ thể tại Việt Nam.

Thưa ông, Dream Incubator quan tâm đến đầu tư vào những lĩnh vực nào tại Việt Nam?

Ba mảng kinh doanh chính của Dream Incubator là tư vấn đầu tư, đầu tư (qua Quỹ Đầu tư công nghiệp Dream Incubator châu Á - DIAIF) và mua bán, sáp nhập. Riêng với 70 triệu USD (qua DIAIF), chúng tôi xác định lĩnh vực đầu tư chủ yếu là thực phẩm, đồ uống và ngành chăm sóc sức khỏe.

Hiện DIAIF đã đầu tư vào những dự án cụ thể nào tại Việt Nam?

Hiện DIAIF đã trở thành cổ đông chiến lược của Công ty cổ phần Thiết bị y tế Việt Nhật (JVC), với việc nắm giữ 31,1% vốn cổ phần và Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Đồng Tâm (Nutifood). Đây cũng chính là hai mảng đầu tư trọng tâm và lâu dài của chúng tôi dựa trên yếu tố thị trường nội địa Việt Nam đang phát triển, có dân số đông. Trong khi đó, với lợi thế trình độ kỹ thuật - công nghệ cao, quản trị nội bộ tốt, chúng tôi sẽ hợp tác với các công ty Việt Nam trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Dĩ nhiên, đối tượng mà DIAIF nhắm tới là những công ty trong nước chưa niêm yết, có mối quan hệ tốt với các doanh nghiệp Nhật Bản để phát triển mối quan hệ giữa hai nước về lâu dài. Tôi tin rằng, sau thời gian được đầu tư để phát triển tốt hơn, các doanh nghiệp này sẽ được các nhà đầu tư nước ngoài khác quan tâm.

Hiện tại, Nutifood cũng nhận được sự quan tâm của một số nhà đầu tư Nhật Bản (hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đồ uống, thực phẩm dinh dưỡng) thông qua tư vấn của chúng tôi.

Sau hai thương vụ này, DIAIF có dự định đầu tư thêm các dự án khác?

DIAIF dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư vào 3 công ty, trong đó sẽ đầu tư vào 1-2 công ty ngay trong năm nay, với số vốn từ 3 đến 15 triệu USD, để sở hữu ít nhất là 30% cổ phần ở mỗi công ty. Ngoài hai lĩnh vực trên, là nhà tư vấn đầu tư, chúng tôi cũng nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản trong lĩnh vực bán lẻ. Đây sẽ là một mảng đầu tư nóng tại thị trường Việt Nam sắp tới.

Ông đánh giá thế nào về tiềm năng thu hút đầu tư của Việt Nam?

Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, Việt Nam có một tiềm năng rất lớn vì không giống như các thị trường đang phát triển khác, đó là chúng tôi cảm thấy được đón tiếp rất thân thiện ở đây. Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam đều rất hào hứng với các nhà đầu tư Nhật Bản.

Tôi đã đến thăm và tìm hiểu 30 công ty Việt Nam và tất cả đều rất phấn khởi, nhiệt tình.

Có một điểm nữa là, Việt Nam có thể hấp dẫn hơn Trung Quốc đối với các công ty hoặc các quỹ Nhật Bản có quy mô trung bình hoặc nhỏ muốn vươn ra thị trường nước ngoài.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, Việt Nam hãy suy nghĩ về chiến lược lâu dài của mình trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Cả Nhật Bản lẫn Việt Nam không thể cạnh tranh với Trung Quốc về chi phí lao động giá rẻ. Việt Nam có nhiều khoáng sản, nhưng lại không thể cạnh tranh với Indonesia hay Australia.

Các nhà sản xuất Nhật Bản rất chú trọng yếu tố chất lượng sản phẩm và thường đi sâu vào các thị trường ngách, đáp ứng từng nhu cầu nhỏ nhất của người tiêu dùng. Hiện tại, thị trường Việt Nam chưa có nhu cầu như vậy, mà chỉ là những sản phẩm đơn giản. Dù vậy, tôi nghĩ, cách duy nhất để Việt Nam có thể trở nên cạnh tranh hơn trong thu hút FDI trong tương lai là hãy tạo nên giá trị gia tăng cao cho các sản phẩm của mình.

Minh Thiên

đầu tư