Việt Nam hấp dẫn các công ty Nhật hơn cả Trung Quốc

Việt Nam hấp dẫn các công ty Nhật hơn cả Trung Quốc

Theo doanh nhân Nhật Bản Shinichiro Hori, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dream Incubator Việt Nam, đơn vị đang đồng quản lý Quỹ Đầu tư công nghiệp DI châu Á (DIAIF), Việt Nam đặc biệt hấp dẫn các công ty hoặc các quỹ Nhật Bản có quy mô trung bình hoặc nhỏ đang muốn vươn ra thị trường nước ngoài. Thậm chí, Việt Nam còn hấp dẫn hơn cả Trung Quốc và Ấn Độ, vì hai thị trường rộng lớn này cần đầu tư lớn, phải vài trăm triệu USD, trong khi chỉ cần vài triệu USD đã có thể đầu tư hiệu quả ở Việt Nam…

Không chỉ đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Việt Nam, các nhà đầu tư Nhật Bản còn đang tạo ra một làn sóng đầu tư mới thông qua các hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A). Họ đang dẫn đầu với 14 thương vụ M&A tại Việt Nam trong năm 2011. Riêng số tiền nhóm 3 ngân hàng Nhật Bản Mizuho Bank đã bỏ ra để sở hữu 15% cổ phần tại Vietcombank đã lên tới 567,3 triệu USD. Mizuho Bank còn có ý định mua thêm 5% cổ phần nữa của Vietcombank...

Vào cuối tháng 5 tới, nhóm 3 ngân hàng Nhật Bản Minato sẽ tổ chức hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp trong một CLB mà họ đang dẫn đầu, gồm 144 thành viên. Ngân hàng này cho biết, họ sẽ tăng lượng vốn cho vay đối với các dự án M&A vào thị trường Việt Nam.

Theo doanh nhân Nhật Bản Shinichiro Hori, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dream Incubator Việt Nam, đơn vị đang đồng quản lý Quỹ Đầu tư công nghiệp DI châu Á (DIAIF), Việt Nam đặc biệt hấp dẫn các công ty hoặc các quỹ Nhật Bản có quy mô trung bình hoặc nhỏ đang muốn vươn ra thị trường nước ngoài. Thậm chí, Việt Nam còn hấp dẫn hơn cả Trung Quốc và Ấn Độ, vì hai thị trường rộng lớn này cần đầu tư lớn, phải vài trăm triệu USD, trong khi chỉ cần vài triệu USD đã có thể đầu tư hiệu quả ở Việt Nam…

Xu hướng “chung tay” với các doanh nghiệp trong nước để phát triển công việc kinh doanh ở Việt Nam, tất nhiên không chỉ diễn ra trong lĩnh vực ngân hàng.

Hai nhà sản xuất hàng tiêu dùng có tiếng của Nhật là Kirin (sản xuất bia và nước giải khát), Unicharm (sản xuất tã giấy) cũng đã tham gia vào thị trường Việt Nam thông qua hình thức mua cổ phần của các công ty trong nước, trong đó Unicharm mua tới 95% cổ phần của Diana còn Kirin mua 57,3% cổ phần của Công ty cổ phần Thực phẩm quốc tế. Người khổng lồ công nghệ thông tin NTT DoMoCo mua 25% cổ phần của Công ty Dịch vụ Viễn thông di động VMG Media JSC…

Trong những diễn biến khác, tính đến tháng 3-2012, đã có khoảng 20 tập đoàn bán lẻ hàng đầu của các nước đầu tư vào Việt Nam, trong số này có nhiều doanh nghiệp lựa chọn con đường hợp tác với doanh nghiệp trong nước. E-Mart - tập đoàn bán lẻ lớn của Hàn Quốc đã vào Việt Nam thông qua liên doanh với Tập đoàn U&I của Việt Nam có trụ sở tại Bình Dương. Liên doanh E-Mart Việt Nam có vốn đầu tư ban đầu 80 triệu USD và có kế hoạch từ nay đến năm 2020 mở chuỗi 52 siêu thị.

Theo giải thích của nhà đầu tư nước ngoài, chung tay với các doanh nghiệp nội để khai thác thị trường, họ có thể tận dụng kinh nghiệm và tiềm lực vốn để tham gia xuất nhập khẩu các mặt hàng nông - lâm - thủy sản, tạo điều kiện cho hàng hóa của nước họ vào Việt Nam và ngược lại.

Tìm được đối tác tốt, nhà đầu tư nước ngoài nhanh chóng “bén rễ xanh cây” tại Việt Nam. Như Big C, riêng trong năm 2011 đã xuất khẩu khoảng 21 triệu USD các sản phẩm của Việt Nam ra nước ngoài, tăng khoảng 20% so với năm 2010. Trong đó, tăng mạnh nhất là các mặt hàng thực phẩm chế biến từ cá basa, tôm, gạo, cà phê, hoặc chế biến sẵn như tương ớt, mít sấy; tiếp đến là nhóm hàng vải sợi; hàng gia dụng; thủ công mỹ nghệ; trang trí nội thất… 

Anh Thư

Sài Gòn Giải phóng