"Không có chuyện sáp nhập BaoVietBank"

"Không có chuyện sáp nhập BaoVietBank"

Đó là khẳng định của Tổng giám đốc BVH tại ĐHCĐ sáng 26/4 trước câu hỏi của cổ đông về việc BaoViet Bank có sáp nhập với ngân hàng khác hay không.

Bà Nguyễn Thị Phúc Lâm, Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Việt (BVH) cho biết, trước đó, tại ĐHCĐ Ngân hàng Bảo Việt (BaoViet Bank) hôm 24/4, cũng có cổ đông hỏi về sự đồn đoán sáp nhập này.

“Hiện tại, chúng tôi chưa có chủ trương cho việc này và đang xây dựng BaoViet Bank theo chiến lược của Tập đoàn. Khi nào có chủ trương cụ thể sẽ báo cáo, công bố thông tin ra thị trường”, bà Lâm nói.

Tại Đại hội, có cổ đông thắc mắc, BVH hoạt động kinh doanh tốt nhưng chia cổ tức bằng tiền khiêm tốn ở mức 12%, trong khi các DN cùng ngành như PVI chia cao hơn, ở mức 15%. BVH có chiến lược gì để gia tăng lợi ích của cổ đông? Bà Lâm đáp rằng, có nhiều tiêu chí để đánh giá lợi ích của cổ đông cũng như sự gia tăng này, trong đó, phải kể đến hai tiêu chí chính, đó là cổ tức và giá trị cổ phiếu. Đối với BVH, giá bán từ khi cổ phần hóa là hơn 70.000 đồng/CP, có thời điểm giá cao nhất trên sàn lên đến 103.000 đồng và hiện tại, dù đã trải qua thời kỳ trầm lắng kéo dài của thị trường nhưng giá đang dao động ở mức 70.000 đồng/CP, trong khi đó, các cổ phiếu khác sụt giảm mạnh.

“Như vậy, đầu tư vào BVH vẫn bảo toàn vốn, chưa kể khoản cổ tức mà cổ đông nhận được hàng năm. Đó là những giá trị của cổ phiếu BVH”, bà Lâm nhấn mạnh.

Mặc dù giá cổ phiếu PVI hồi đấu giá cũng trên 100.000 đồng/CP, cao hơn cả BVH, nhưng đến nay, vẫn chưa phục hồi qua mức 20.000 đồng/CP.

Về câu hỏi “trong bối cảnh các DN bảo hiểm đua nhau tăng vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược, liệu BVH có làm như vậy?”, ông Lê Quang Bình, Chủ tịch HĐQT BVH cho biết, trong năm 2012, BVH không có kế hoạch này, vì BVH đang có đủ vốn để hoạt động, khi nào cần sẽ trình ĐHCĐ sau.

Liên quan đến câu hỏi “BVH đầu tư lớn 25 triệu USD vào công nghệ thông tin có thực sự cần thiết và mang lại lợi ích gì?”, ông Bình khẳng định, công nghệ luôn là mắt xích quan trọng, mang tính sống còn cùng với yếu tố con người và chiến lược phát triển sản phẩm tại BVH. Hơn thế, các công ty trực thuộc Tập đoàn đều hoạt động trên cùng một lĩnh vực là đầu tư dịch vụ tài chính, nên yếu tố công nghệ giúp xây dựng khách hàng chung để khai thác và phát triển.  Kết thúc cuộc họp, ĐHCĐ BVH đã thông qua mọi tờ trình, trong đó, có kế hoạch kinh doanh năm 2012 là doanh thu Công ty mẹ 1.330 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 915 tỷ đồng; doanh thu hợp nhất 17.581 tỷ đồng, tăng 18,2%, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.721 tỷ đồng, tăng 13,2% so với năm 2011.

Diệu Minh

đầu tư chứng khoán