PAN: SSI đưa 2 người vào HĐQT và BKS

ĐHĐCĐ thường niên 2012

PAN: SSI đưa 2 người vào HĐQT và BKS

Nội dung đáng chú ý tại ĐHĐCĐ thường niên 2012 của CTCP Xuyên Thái Bình (HOSE: PAN) là việc SSI cử hai đại diện vào HĐQT và Ban Kiểm soát công ty.

Cụ thể, với việc sở hữu 23.67% vốn điều lệ tại PAN, SSI đã cử bà Nguyễn Vũ Thùy Hương (Giám đốc Khối nguồn vốn và Kinh doanh Tài chính SSI) vào HĐQT và bà Bùi Thanh Vân (nhân viên kế toán của SSI) được bầu lại vào BKS của PAN.

Cả hai đại diện do SSI giới thiệu đều trúng cử với tỷ lệ phiếu bầu gần 100%.

ĐHĐCĐ thường niên 2012 của PAN diễn ra vào sáng 14/04 tại TPHCM

2012: Duy trì hoạt động cũ

Về hoạt động kinh doanh năm 2012, công ty không có kế hoạch đầu tư mới mà chủ yếu duy trì các hoạt động như năm 2011.

Cổ đông đồng ý với mức cổ tức dự kiến 2012 là 10%, tuy nhiên, bà Hà Thị Thanh Vân, Chủ tịch HĐQT, kỳ vọng có thể trả từ 15 – 20% cho cổ đông nếu triển vọng kinh doanh khả quan.

Cũng như ĐHĐCĐ nhiều công ty khác, lượng cổ đông của PAN năm nay đã tập trung hơn nhiều. Số cổ đông tham dự Đại hội của PAN năm nay chỉ có 43 người, đại diện cho hơn 7.36 triệu cổ phiếu, tương đương 69% vốn điều lệ.

Đại hội dễ dàng thông qua các tờ trình và kết thúc sớm hơn dự kiến.

Ông Nguyễn Văn Khải, Tổng Giám đốc công ty, đưa ra kế hoạch kinh doanh cho năm 2012 với doanh thu từ dịch vụ chiếm 255 tỷ đồng và thương mại 10 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với năm 2011. Lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt ở mức 22.6 tỷ đồng và 15.8 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế sẽ chiếm khoảng 27.7% vốn điều lệ.

Ở lĩnh vực đầu tư, ông Khải dự kiến sẽ thu được 1.6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế từ khoản đầu tư 17.2 tỷ đồng tại các công ty liên kết gồm Lilama EME, BĐS SSI, Việt Tín.

Ngoài ra, công ty sẽ xem xét đầu tư dài hạn với tỷ trọng lớn vào các cổ phiếu tốt. Nguồn vốn dự kiến cho hoạt động này vào khoảng 65 tỷ đồng. Trước tiên, công ty sẽ dùng từ các nguồn gồm như bán cổ phiếu quỹ 17 tỷ đồng, thanh lý/hoán đổi cổ phiếu ngắn hạn với giá trị 10 tỷ đồng, thanh lý cổ phiếu An Lạc 10 tỷ đồng và lãi từ tiền gởi khoảng 28 tỷ đồng. Theo ông Khải, trong năm 2012, việc đầu tư dài hạn trên nếu có sẽ tạo ra lợi nhuận cho PAN từ cổ tức.

Với mảng đầu tư ngắn hạn, mục tiêu của công ty là đầu tư vào những cổ phiếu có cơ bản tốt, chỉ số P/E ở mức hợp lý, cổ tức bằng tiền ổn định đảm bảo chi phi phí vốn. Mức đầu tư dự kiến cho cả năm khoảng 40 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế thu được khoảng 7.5 tỷ đồng bao gồm cổ tức và chênh lệch giá. Lợi nhuận sau thuế còn lại khoảng 6.7 tỷ đồng.

Ông cũng cho biết thêm, tính đến thời điểm hiện tại, PAN có 50.1 đồng tỷ đầu tư vào Cao Su Hoàng Anh.

Đại hội năm nay chỉ có 43 người tham dự, đại diện cho hơn 7.36 triệu cổ phiếu, tương đương 69% vốn điều lệ.

2011: Chi trả cổ tức 10% bằng tiền mặt

Từ năm 2011, PAN thực hiện định hướng chuyển đổi mô hình hoạt động kinh doanh theo hướng trở thành công ty đầu tư và dịch vụ, tập trung vào các hoạt động đầu tư tài chính ngắn và dài hạn (không trực tiếp điều hành) vào các công ty liên kết; đầu tư và điều hành trực tiếp vào hệ thống các công ty hoạt động trong ngành dịch vụ tiện ích để tạo ra các gói dịch vụ tiện ích và giải pháp cung cấp cho khách hàng.

Năm 2011, doanh thu hoạt động tài chính ở mảng đầu tư ngắn hạn đạt 14.1 tỷ đồng (giảm 40% so năm 2010). Trong năm, công ty đã thu hẹp các khoản đầu tư nên cơ cấu đóng góp vào doanh thu tài chính cũng thay đổi so năm ngoái. Cụ thể năm 2011, thu nhập từ góp vốn hưởng lợi suất cố định đạt 70%, cổ tức và lợi nhuận được chia chiếm 20%, lãi từ đầu tư ngắn hạn khác chiếm 9%, chênh lệch tỷ giá 1%.

Chi phí hoạt động đầu tư là 10.9 tỷ đồng (tăng 43% so năm 2010). Trong đó, cơ cấu từng nhóm chi phí gồm chi phí tài chính có tính chất lãi vay chiếm 10%, chi phí hoạt động đầu tư chứng khoán 3%, thanh lý các khoản đầu tư và dự phòng giảm giá 85%, và lỗ chênh lệch tỷ giá 2%.

Ở mảng đầu tư dài hạn, do nằm trong giai đoạn đầu của quá trình hoạt động, nên trong năm 2011 chưa đóng góp nhiều vào lợi nhuận hợp nhất của Công ty. Tuy nhiên, ông Khải cho biết bắt đầu từ 2012 các dự án này bắt đầu chia cổ tức hoặc đáp ứng đủ điều kiện để ghi nhận lợi nhuận liên kết vào kết quả hợp nhất.

Đối với dự án Nhà máy xử lý chất thải tại khu công nghiệp hóa dầu Dung Quất, nơi PAN hiện nắm giữ 21.41% và sẽ gia tăng tỷ lệ vào thời điểm thích hợp. Theo báo cáo tài chính 2011, dự án này đang hoạt động tốt, công ty kỳ vọng đây sẽ là một trong những nguồn đóng góp vào kết quả kinh doanh từ năm 2012 và trong tương lai khi mà Nhà máy vận hành đầy đủ công suất.

Ở nhóm công ty cung cấp dịch vụ tiện ích, thương mại, doanh thu cả năm đạt 240.9 tỷ đồng, tăng 19.4% so với năm 2010 (là 201.7 tỷ đồng). Trong đó, doanh thu bán hàng là 14.6 tỷ đồng tăng 34.7% so với năm 2010; doanh thu thực hiện dịch vụ là 226.3 tỷ đồng tăng 18.6%.

Tính chung các hoạt động kinh doanh và đầu tư, công ty đạt 257.2 tỷ đồng tổng doanh thu, lợi nhuận trước thuế 18.7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ xấp xỉ 13 tỷ đồng.

So với kế hoạch cả năm, tổng doanh thu 102%, lợi nhuận trước thuế thực hiện 75% kế hoạch, lợi nhuận sau thuế đạt 72% kế hoạch.

Với kết quả này, HĐQT công ty đề xuất chia cổ tức 10% bằng tiền mặt và đã được cổ đông biểu quyết thông qua.

Viết Vinh (Vietstock)

Finfonet