TPC: Duy trì mức cổ tức trên 20% từ nay đến 2016

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2012

TPC: Duy trì mức cổ tức trên 20% từ nay đến 2016

Trong chiến lược phát triển từ nay đến 2012, TPC đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu mỗi năm thấp nhất 10% và cổ tức chi trả từ 20% trở lên.

Sáng 06/04, ĐHĐCĐ thường niên 2012 của CTCP Nhựa Tân Đại Hưng (HOSE: TPC) đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm năm 2012, cũng như kế hoạch tổng quan cho giai đoạn 2012 – 2016. Đại hội cũng bầu ra HĐQT và BKS mới cho nhiệm kỳ này.

Giảm đầu tư ngoài ngành

Báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2011, ông Nguyễn Văn Hùng – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc cho biết, công ty đạt mức sản lượng hơn 9,300 tấn, cao nhất từ trước đến nay. Tổng doanh thu đạt hơn 728 tỷ đồng, trong đó doanh thu bao bì chiếm gần 500 tỷ đồng. Tỷ trọng xuất khẩu đạt 71.2% và tổng lợi nhuận đạt 37.5 tỷ đồng, thực hiện 107% kế hoạch đề ra.

Với mức lợi nhuận này, Đại hội đã thông qua mức cổ tức năm 2011 là 20% bằng tiền mặt sẽ được chi trả trong thời gian từ 15/05 đến 30/06 tới. Cổ đông bày tỏ vui mừng với mức cổ tức này, tuy nhiên một số đề nghị HĐQT chi trả sớm hơn thay vì đợi đến tháng 6.

Cổ tức năm 2011 là 20% bằng tiền mặt sẽ được chi trả trong thời gian từ 15/05 đến 30/06 tới.

Về tình hình hoạt động trong năm, ông Hùng cho biết thêm, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, công ty vẫn giữ được thị phần ổn định và mở rộng thêm một số thị trường mục tiêu để xuất khẩu. Tài sản và nguồn vốn của công ty có sự tăng trưởng và tài chính lành mạnh. TPC chủ động sử dụng nguồn vốn tự có cho hoạt động đầu tư mua lại nhà xưởng thay vì dùng vốn vay ngân hàng với lãi suất cao và chứa đựng nhiều rủi ro.

TPC đã đầu tư mua lại nhà xưởng đang thuê với giá trị 150 tỷ đồng bằng vốn tự có để tăng tài sản cố định của công ty. Trong khi đó, trừ những hạn mục đầu tư đã có từ trước, công ty không đầu tư sang các lĩnh vực khác, mà chỉ tập trung vào sản xuất kinh doanh sở trường, với những sản phẩm chủ yếu có thị trường và có lợi nhuận tốt.

Về các khoản đầu tư vào cổ phiếu ALTEIB từ năm 2009, ông Hùng cho biết, do tình hình chung của nền kinh tế và thị trường chứng khoán năm 2011, các mã chứng khoán này đều giảm bất chấp hoạt động kinh doanh ổn định và hiệu quả. Công ty đã trích lập dự phòng bổ sung 235.5 triệu đồng cho hai cổ phiếu này. Trên cơ sở nhận định thị trường chứng khoán sẽ phục hồi trong những năm tới, việc bán các cổ phiếu này là không có lợi, nên HĐQT đã quyết định không thanh lý các chứng khoán này trong năm 2011.

Thoái toàn bộ vốn tại công ty Đại Hưng Thịnh và Đại Hưng Phát

Dự báo về nhu cầu bao bì nhựa nội địa sẽ còn tăng nhanh, do trong năm 2012, ông Phạm Trung Can -  Chủ tịch HĐQT cho biết, công ty sẽ tìm kiếm cơ hội để đầu tư mới nhằm tăng hiệu quả sử dụng vốn. Đồng thời, xem xét chủ trương thoái vốn toàn bộ vốn đầu tư vào công ty Đại Hưng Thịnh (17.5 tỷ đồng) và công ty Đại Hưng Phát (1.5 tỷ đồng) do giá trị thu được không hiệu quả.

Đây là hai công ty kinh doanh trong lĩnh vực nguyên liệu nhựa và nhập khẩu nhựa tái chế. Năm 2011, TPC đã hạch toàn lỗ 577.3 triệu đồng cho khoản đầu tư ở Đại Hưng Thịnh làm giảm 1.54% lợi nhuận của công ty.

Giải thích về việc thoái vốn ở hai doanh nghiệp này, ông Phạm Trung Can cho biết, hoạt động kinh doanh của ngành nhựa và ngành nhựa tái sinh thời gian qua, cũng như trong thời gian tới là khá thấp, ít có tiềm năng phát triển. Do vậy HĐQT quyết định thoái vốn để tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh chính là sản xuất bao bì nhựa.

Đơn hàng dồi dào từ nay đến tháng 8

Về kết hoạch sản xuất kinh doanh, Đại hội đã thông qua chỉ tiêu sản lượng bao bì bằng hoặc lớn hơn 8,000 tấn, trong đó tỷ trọng xuất khẩu chiếm 65%.

Theo ông Phạm Trung Can, triển vọng kinh doanh của công ty trong năm nay khá tốt. Hiện tại, công ty đã có đơn hàng xuất khẩu đến tháng 8/2012. Doanh thu bao bì từ 450 tỷ đồng trở lên, với lợi nhuận sau thuế sản xuất kinh doanh bao bì sau thuế từ 38 tỷ đồng trở lên. Tương tự, cổ tức tối thiểu ở mức 18%.

Cổ đông của TPC hiện nay đã tập trung hơn, thay vì phân tán như trước.

Duy trì cổ tức trên 20%

Về định hướng chiến lược giai đoạn 2012 – 2016, HĐQT TPC nhận định nhu cầu sử dụng nhựa sẽ còn tăng cao, tiềm năng thị phần xuất khẩu và nội địa của một số sản phẩm như vải địa kỹ thuật, bao hộp, bao shopping, còn rất lớn, sẽ tăng trưởng mạnh khi kinh tế phục hồi. Ngoài ra, giá mua thiết bị máy móc rẻ, tiết kiệm chi phí đầu tư đổi mới.

Với những dự báo đó, HĐQT công ty đã đề ra kế hoạch tổng thể cho giai đoạn 2012 – 2016 với sản lượng bao bì tiếp tục duy trì ở mức bằng hoặc lớn hơn 8,000 tấn, trong đó tỷ trọng xuất khẩu chiếm 65%. Doanh thu tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm, trên cơ sở lựa chọn những sản phẩm có giá trị gia tăng nhiều hơn, đơn đặt hàng có hiệu quả. Cổ tức giai đoạn này dự kiến từ 20% trở lên.

Ông Phạm Trung Can đánh giá rất cao tiềm năng phát triển của công ty trong những năm tới. Công ty chỉ tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi, không đầu tư tràn lan, tình hình tài chính lành mạnh. Kế hoạch tăng trưởng tốt, tỷ lệ cổ tức cao ( từ 20% trở lên). Với tiềm năng đó, ông cho rằng, việc đầu tư vào cổ phiếu TPC mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều so với gửi ngân hàng. Bản thân ông đã đăng ký mua thêm 800,000 cp, sau khi hoàn tất sẽ đăng ký mua tiếp vài triệu cổ phiếu nữa để đầu tư.

Bày tỏ sự tin tưởng vào sự tăng trưởng của công ty, một vài cổ đông đã cho biết, ngay khi Đại hội đang diễn ra, họ đã đặt lên mua thêm cổ phiếu nhưng chưa khớp lệnh.

Tại Đại hội, cổ đông đã bỏ phiếu để bầu ra HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2012-2016. Theo đó, HĐQT mới bao gồm:

Ông Phạm Trung Can-Chủ tịch HĐQT

Ông Nguyễn Văn Hùng-Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc

Bà Nguyễn Thị Thanh Loan – Thành viên

Bà Tôn Thị Hồng Minh - Thành viên

Ông Trần Thanh Tuấn – Thành viên

Ông Trần Hữu Vinh – Thành viên

Ông Phạm Văn Mẹo – Thành viên

Các Thành viên của BKS khóa 2012:

Ông Lâm Nguyễn Quốc Nghĩa

Bà Đào Thanh Tuyền

Bà Nguyễn Thị Hồng Cúc

Viết Vinh (Vietstock)

FINFONET