ĐHCĐ muộn, NĐT mù mờ thông tin

ĐHCĐ muộn, NĐT mù mờ thông tin

Bên cạnh một số DN đẩy sớm việc tổ chức ĐHCĐ thường niên từ đầu tháng 2, vẫn có nhiều DN chọn thời điểm tháng 5, tháng 6 mới tổ chức.

Năm nay, mặc dù một số DN đã đẩy sớm việc tổ chức ĐHCĐ thường niên từ đầu tháng 2/2012 (VTS, LCG, TNT…), song vẫn còn nhiều DN chọn thời điểm tháng 5 mới tổ chức ĐHCĐ, thậm chí một số DN phải chờ sang tháng 6 mới tổ chức ĐHCĐ như Ngân hàng TMCP Nam Việt (NVB), CTCP Bao bì nhựa Tân Tiến (TTP)…

Phản ánh với ĐTCK, một nhà đầu tư là cổ đông của CTCP Vang Thăng Long (VTL) cho biết, VTL dự kiến tổ chức ĐHCĐ vào cuối tháng 5/2012. Theo nhà đầu tư này, khi đã gần hết 2 quý đầu năm mà DN mới bắt đầu xin ý kiến cổ đông để thông qua kế hoạch cả năm là quá muộn, nó “vô duyên” như chuyện một số DN xin ý kiến cổ đông về việc điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh khi đã gần hết năm.

“DN tổ chức ĐHCĐ quá muộn, trên website cũng không cập nhật không tin về kế hoạch kinh doanh năm, báo cáo KQKD quý I/2012 cũng chưa có. Đã bước sang tháng 5 mà cổ đông vẫn chưa biết định hướng kinh doanh của DN, kế hoạch trả cổ tức…”, một cổ đông của VTL nói.

Trên thực tế, rất nhiều trường hợp DN phải triệu tập ĐHCĐ lần 2, thậm chí lần 3 mới thành công. Trong trường hợp DN chọn tháng 6 mới tổ chức đại hội và nếu thất bại thì phải sang tháng 7, tức là quá bán niên.

ĐHCĐ là một dịp hiếm hoi trong năm để các cổ đông có thể tiếp cận DN và là cơ hội để DN lắng nghe ý kiến của cổ đông. Hiện nay, trên 2 Sở giao dịch đã có hơn 700 DNNY, có những ngày cao điểm, đến 20 DN tổ chức đại hội, đa phần tổ chức vào tháng 3, tháng 4. Nhiều ý kiến cho rằng, DN nên đẩy sớm kế hoạch đại hội, chẳng hạn vào quý I thì khả năng thành công sẽ cao hơn.

Tại ĐHCĐ CTCP Vinaconex 2 (VC2) được tổ chức vào ngày 12/3/2012, trong phần trao đổi với cổ đông, ông Đỗ Trọng Quỳnh, Chủ tịch HĐQT VC2 cho biết, gần hết quý I/2012 mà VC2 mới tổ chức ĐHCĐ để công bố kế hoạch kinh doanh cả năm đã là muộn, dự kiến sang năm, VC2 sẽ tổ chức sớm hơn.

CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (RAL) vẫn “trung thành” với lịch họp ĐHCĐ vào đầu tháng 5. Khi được hỏi tại sao Công ty không đẩy sớm việc tổ chức ĐHCĐ lên đầu tháng 3, tháng 4, lãnh đạo RAL cho biết, vốn là DN thận trọng nên trước khi tổ chức họp ĐHCĐ, Công ty đã phải chuẩn bị nghiên cứu rất kỹ tình hình kinh doanh, biến động thị trường, “nghe ngóng” từ nhiều phía cũng như rút kinh nghiệm từ các DN khác để đảm bảo tổ chức ĐHCĐ thành công trong lần đầu. “Mặc dù sang tháng 5 DN mới tổ chức Đại hội nhưng Công ty đã công bố kế hoạch kinh doanh do HĐQT thông qua lên Sở và trên website của Công ty để cổ đông nắm bắt tình hình”, lãnh đạo RAL nói.

Cũng liên quan đến thời gian họp ĐHCĐ, trong vài năm trở lại đây, CTCP Vĩnh Sơn Sông Hinh (VSH) thường tổ chức ĐHCĐ rất muộn so với nhiều DN (năm 2011, VSH tổ chức vào 2/12) với lý do chưa đàm phán được giá điện. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều cổ đông, kể cả chưa đàm phán được giá điện, VSH vẫn phải tổ chức ĐHCĐ thường niên theo đúng quy định (tháng 3, 4 hàng năm) để cổ đông có thể nắm bắt được tình hình cũng như kế hoạch kinh doanh của Công ty.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo một số DN, việc DN phải tổ chức muộn còn xuất phát từ ý thức của các cổ đông. Ngày 26/4, CTCP Xây dựng Sông Hồng đã tiến hành ĐHCĐ thường niên 2012. Tuy nhiên, đến hơn 9 giờ, số cổ đông có mặt chỉ đạt 30% nên Công ty phải tuyên bố đại hội lần 1 bất thành do không đủ điều kiện thực hiện theo quy định của Luật. Đây không phải năm đầu tiên ICG thất bại trong tổ chức ĐHCĐ và trong lần tổ chức đại hội (lần 2) vào ngày 17/5 tới, nếu được, Công ty sẽ đưa vấn đề này ra bàn bạc với cổ đông để Công ty có thể tổ chức ĐHCĐ thành công ngay trong lần 1 trong những năm tới.

Vì nhiều lý do chủ quan lẫn khách quan, nhiều DN phải tổ chức ĐHCĐ muộn, song với nhà đầu tư, việc sớm hình dung được bức tranh doanh nghiệp trong năm sẽ giúp cổ đông biết được định hướng doanh nghiệp để có quyết định đầu tư phù hợp.

Hoàng Anh

đầu tư chứng khoán