Hỗ trợ nông nghiệp nông thôn: Làm sao trúng mục tiêu?

Hỗ trợ nông nghiệp nông thôn: Làm sao trúng mục tiêu?

Đã có lời cảnh báo từ các nhà kinh tế lo ngại rằng sẽ có hiện tượng "đổ vỡ" hàng loạt các cơ sở nuôi trồng và chế biến thủy hải sản ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nếu như chính sách tín dụng và thị trường không có những quyết sách kịp thời, phù hợp với khó khăn của thị trường tiêu thụ ở các nước đang nhiều rào cản như hiện nay.

Mấy ngày nay, công nhân của Công ty CP Thủy sản Bình An (Bianfishco) đã trở lại làm việc, sau khi Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của DN (DATC) của Bộ Tài chính vào cuộc để xử lý các khoản nợ tồn đọng của doanh nghiệp (DN) này, ước tính lên đến hàng trăm tỷ đồng. Theo các nguồn tin chính thức, một số ngân hàng đã mở cửa khả năng cấp vốn cho Bianfishco, đồng nghĩa với việc các đơn hàng sẽ có điều kiện để được nối lại. Có nghĩa là dòng tiền cũng được khơi thông, sản xuất phục hồi sau nhiều tháng các cơ xưởng của DN này ngừng hoạt động, đưa hàng nghìn lao động vào cảnh mất việc làm.

“Bianfishco là điển hình của việc quản trị công ty kém, dẫn tới thanh khoản yếu. Khi dòng tiền lỗi nhịp đã khiến cho DN đột ngột lâm cảnh nợ nần, dẫn tới khả năng đổ vỡ, dù đây là một đơn vị có thương hiệu, có khách hàng…”, Phó Tổng giám đốc một công ty kiểm toán quốc tế có chi nhánh tại Việt Nam nhìn nhận như vậy về trường hợp “chết lâm sàng”  của Bianfishco.

Sự đầu tư chóng vánh để nhanh chóng tự chủ về sản xuất như trường hợp của Thủy sản Bình An không phải là cá biệt. Mở rộng quy mô, bổ xung thêm lĩnh vực sản xuất, đầu tư luôn là điển hình về tư duy năng động của doanh nhân Việt Nam. Đây cũng là điều dễ hiểu trong giai đoạn đầu phát triển của các DN.

Nhưng trong bối cảnh thắt chặt tín dụng để ổn định môi trường vĩ mô, nhiều DN đột ngột lâm vào cảnh khó khăn thanh khoản, thậm chí đi đến phá sản. Thông tin mới nhất từ Bộ Tài chính cho biết, trong quý 1/2012 số DN tạm nghỉ kinh doanh có thời hạn là gần 18,700 DN, ngang bằng với số DN thành lập mới. Riêng số DN giải thể, phá sản và ngừng hoạt động là khoảng 10,350 DN, tăng 14.8% so với cùng kỳ. Đáng chú ý là trong số đó phần lớn đều mới hoạt động từ 1-2 năm, tức là đang trong giai đoạn phát triển đầu tiên với nhu cầu đầu tư cao.

“Không thiếu vốn cho DN, đặc biệt đối với các DN hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp”, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nói vậy tại hội thảo Phát triển thị trường tín dụng và dịch vụ ngân hàng vùng đồng bằng sông Cửu Long, tổ chức tại  Cần Thơ  vào cuối tháng 4 vừa qua. Mới nhất, Thông tư số 14/2012/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 8/5 cũng đưa ra mức trần lãi suất cho vay tối đa 15% đối với 4 lĩnh vực là nông nghiệp nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Nhưng trong khi nhiều nhà băng dư thừa vốn phải đổ vào tín phiếu NHNN, không ít DN nông nghiệp đã không có khả năng tiếp cận vốn rẻ do tồn kho lớn, đọng vốn và thanh khoản kém…

Điển hình là mặt hàng gạo, theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khả năng tổng lượng gạo xuất khẩu trong năm nay chỉ đạt khoảng 5.4 triệu tấn, chỉ bằng 3/4 so với năm ngoái. “Gạo để lâu sẽ tăng tỷ lệ cám, có nghĩa là giảm chất lượng và giảm giá”, Giám đốc Công ty HP Việt Nam, một DN sản xuất bao bì tại Đồng Nai, ông Phan Thanh Tịnh lưu ý. Cho nên, nhiều DN tỏ ra không mặn mà với mua tạm trữ, dù được nhà nước hỗ trợ lãi suất cho hoạt động này. Trong khi đó, giá cao su đã giảm rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, khối lượng cao su xuất khẩu 4 tháng đầu năm tăng 30.4% về lượng nhưng lại giảm 12.9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2011. Nhiều diện tích cà phê cũng đã bị chặt bỏ cũng một phần do nguyên nhân giá không ổn định, thị trường xuất khẩu nhiều rủi ro.

Đối với ngành thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện giá cá tra tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục giảm mạnh so với hồi đầu năm với mức giá đã xuống thấp nhất kể từ năm 2011. “Với giá bán như hiện nay, nông dân bị lỗ từ 3-5 nghìn đồng/kg. Nguyên nhân là do các DN kinh doanh, chế biến cá tra đang gặp khó khăn về nguồn vốn nên hạn chế thu mua, trong khi đó các hợp đồng xuất khẩu sang các nước như EU, Mỹ… đang gặp khó khăn”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cảnh báo. Kinh doanh khó khăn đang làm xấu đi tình hình tài chính của nhiều DN nông nghiệp.

Đã có lời cảnh báo từ các nhà kinh tế lo ngại rằng sẽ có hiện tượng "đổ vỡ" hàng loạt các cơ sở nuôi trồng và chế biến thủy hải sản ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nếu như chính sách tín dụng và thị trường không có những quyết sách kịp thời, phù hợp với khó khăn của thị trường tiêu thụ ở các nước đang nhiều rào cản như hiện nay.

Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Tô Hoài Nam lưu ý, với nhiều DN, các yêu cầu về tài sản thế chấp, minh bạch tài chính, phương án kinh doanh khả thi… mới được vay vốn là điều không tưởng. Cho nên, để dòng “vốn rẻ” chảy được trong các DN nông nghiệp nông thôn, nơi giải quyết nhiều việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, nhiều ý kiến cho rằng, vai trò của các ngân hàng thương mại quan trọng hơn ở việc hỗ trợ hoàn thiện thủ tục, cơ cấu lại nợ cho DN... Để sẽ có thêm nhiều các DN “sống dậy”, như trường hợp của Bianfishco.

Anh Quân

Thời báo ngân hàng