Ông Cao Sỹ Kiêm: Gói 29.000 tỷ chỉ cứu được DN đang sống

Ông Cao Sỹ Kiêm: Gói 29.000 tỷ chỉ cứu được DN đang sống

Ông Cao Sỹ Kiêm

"Gói kích cầu này không phải là cứu doanh nghiệp, mà là hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua được khó khăn"... - Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chia sẻ với Phunutoday xung quanh chủ trương Chính phủ dành 29.000 tỷ đồng để giải cứu doanh nghiệp vừa qua.

PV: - Trước thực trạng hàng loạt doanh nghiệp (DN) xin được phá sản mà nguyên nhân chủ yếu là họ đang gặp rất nhiều khó khăn, vừa qua Chính phủ đã có chủ trương dành 29.000 tỷ để giải cứu các doanh nghiệp. Là một chuyên gia kinh tế, ông đánh giá như thế nào về giải pháp này của Chính phủ?

Ông Cao Sỹ Kiêm: - Đây là một gói hỗ trợ tương đối lớn so với năm 2009 cũng trên 1 tỷ USD, đồng thời cũng là một gói gồm nhiều lĩnh vực và có yếu tố mới là ngoài giãn thuế như mọi năm thì có miễn giảm thuế cho một số đối tượng.

Thứ hai là có thêm cả yếu tố về khả năng tiền mua đất, và miễn giảm hơn một tỷ nên có sức mạnh hơn, có điều kiện tốt hơn để giúp cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Đặc biệt là gói 40 tỷ miễn giảm và 1.000 tỷ giảm thuế đất, phần lớn 16.000 tỷ là giãn hoãn để cho năm sau thu. Tất nhiên đó là hỗ trợ bước đầu để các doanh nghiệp vươn lên hoàn trả trong năm sau.

Ngoài gói 29.000 tỷ của Bộ Tài chính còn cộng thêm với việc giảm lãi suất của ngân hàng đang có chiến dịch tương đối nhanh, có cái khống chế đầu ra, đầu vào đối với 4 nhóm đối tượng cho vay ưu đãi. Đó cũng là điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn, một số sẽ được trụ lại.

Nhưng ở đây phần lớn là gói hỗ trợ giãn, hoãn, hơn nữa là hỗ trợ các nhóm doanh nghiệp đang sống, đang hoạt động còn những doanh nghiệp bây giờ đã nằm im thì khó có thể vượt qua được. Chủ yếu là dành cho những doanh nghiệp khó khăn đang tồn tại.

PV: - Vậy những doanh nghiệp đang mấp mé bên bờ vực phá sản, liệu chính sách này có cứu được họ không, thưa ông?

Ông Cao Sỹ Kiêm: - Không thể, bởi không có thuế thu nhập doanh nghiệp để hoãn, không có tính giá trị gia tăng mà hoãn. Và vì vốn ít nên người ta không tập trung vào lĩnh vực ấy, chỉ kiếm những doanh nghiệp đang sống, đang còn tồn tại và những doanh nghiệp đang có điều kiện tồn tại. Có thu nhập thì mới có đóng thuế, các anh đã "nằm im" thì làm sao có thu nhập để mà đóng thuế được.

PV: - Còn những doanh nghiệp xin phá sản mà chưa được vì thủ tục hành chính lằng nhằng, vì thiếu cơ quan chức năng giải quyết hậu phá sản.... với cách cứu như đề xuất này, liệu có cứu được không, thưa ông?

Ông Cao Sỹ Kiêm: - Những doanh nghiệp đã, đang đình trệ, nằm im chờ phá sản thì không có cứu, gói kích cầu này không thể giải quyết được. Gói kích cầu này không phải là cứu doanh nghiệp, mà là hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua được khó khăn.

PV: - Theo ông, con số 29.000 tỷ đã thực sự đủ để giải cứu được các doanh nghiệp này chưa?

Ông Cao Sỹ Kiêm: - Cái đó thì thực sự là chưa. Gói tiền này không thể giúp các doanh nghiệp vượt qua hoàn toàn các khó khăn mà chỉ hỗ trợ được một phần mà thôi.

PV: - Thưa ông, số tiền 29.000 tỷ đồng này làm thế nào đến được đúng nơi cần cứu, tránh đổ tiền vào chỗ đã chết không thể cứu được nữa, hoặc tệ hơn nữa là đến những nơi không cần cứu?

Ông Cao Sỹ Kiêm: - Bây giờ quan trọng là doanh nghiệp, tài chính, ngân hàng phải đánh giá chính xác, những địa chỉ đúng tiêu chuẩn phải được xác định rõ ràng. Còn nếu tiêu chí không rõ ràng, đánh giá không thực chất, có chứa lợi ích cục bộ địa phương hoặc không rành mạch thì không chỉ chuyện không đúng chỗ mà có khi lại có chuyện bớt xén.

PV: - Theo ông, vấn đề lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là gì?

Ông Cao Sỹ Kiêm: - Vấn đề lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là ngoài việc giảm lãi suất, giảm thuế ra còn tạo chi phí thấp xuống, tạo nên yếu tố sức mua để giảm tồn kho giúp cho họ có điều kiện quay vòng, phát triển lên.

Tất nhiên lãi suất trên mức thuế giảm, không có đầu ra, không có môi trường, chi phí vẫn cao, mọi thứ vẫn cao thì khả năng vay vốn cũng không phải là đã tiếp cận, tiếp thu được.

Điều này dứt khoát phải có sự đánh giá chính xác, đưa ra đúng tiêu chí, đúng địa chỉ thì mới có kết quả!

- Xin cảm ơn ông!

Chủ trương giải cứu doanh nghiệp được đại diện Chính phủ thể hiện rõ trong phiên họp báo thường kỳ chiều 4/5.

Cụ thể, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, trong ít ngày tới, Chính phủ sẽ có một nghị quyết chuyên đề về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy không phải là một gói kích cầu, nhưng theo người phát ngôn của Chính phủ, đây là một hệ thống giải pháp vĩ mô, bao gồm tài khóa, tiền tệ, cải cách hành chính… nhưng trọng tâm là hỗ trợ tài chính, thuế cho doanh nghiệp.

Mặc dù chi tiết còn chờ sự ra đời của văn bản nhưng theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, nội dung cơ bản của các giải pháp sẽ nhắm tới việc giãn thuế giá trị gia tăng (VAT), lui thời gian thu thuế thu nhập doanh nghiệp… đối với một số đối tượng ưu tiên, đồng thời miễn một số sắc thuế, phí khác.

Đại diện cơ quan đề xuất (Bộ Tài chính) - Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định các biện pháp hỗ trợ lần này không chỉ hướng đến các doanh nghiệp “còn khỏe” mà sẽ mở rộng hơn đối với toàn bộ nền kinh tế.

Cụ thể, việc xác định các giải pháp hỗ trợ được xây dựng theo 5 nguyên tắc là đảm bảo ổn định vĩ mô, đúng đối tượng, phối hợp với chính sách tiền tệ, gắn với tái cơ cấu và tính đến khả năng cân đối của ngân sách.

Theo đó, đối tượng ưu tiên được xác định là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp gia công trong lĩnh vực nông lâm, thủy sản, xây dựng, bất động sản, cơ khí vận tải thủy, sản xuất xi măng sắt thép…

Các đối tượng này (trừ doanh nghiệp tài chính, bảo hiểm, xổ số, doanh nghiệp chịu thuế thu nhập đặc biệt) sẽ được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2012. Thuế VAT mà doanh nghiệp lẽ ra phải nộp trong quý II sẽ được giãn thêm 6 tháng.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đề xuất với Hội đồng nhân dân các cấp giảm 50% tiền thuê đất của doanh nghiệp thương mại, dịch vụ hoạt động trên địa bàn trong năm 2012. Các hộ kinh doanh nhà trọ sinh viên và một số đối tượng kinh doanh khác cũng sẽ được miễn thuế khoán, thuế môn bài…

* Huyền Biển (Thực hiện)

Phụ nữ today