TGĐ SHN: “Công ty chưa thể phá sản trong 2 năm tới”

TGĐ SHN: “Công ty chưa thể phá sản trong 2 năm tới”

SHN trong vòng 2 năm tới chưa thể phá sản được, trừ khi có nhóm cổ đông nắm trên 75% họp bàn quyết định tự nguyện phá sản.

Đó là khẳng định của ông Đinh Hồng Long, Tổng giám đốc SHN tại ĐHCĐ thường niên diễn ra ngày 31/5.

Không bị khống chế tỷ lệ cổ phần tối thiểu sau 2 lần tổ chức đại hội bất thành vì có quá ít cổ đông tham dự, ĐHCĐ năm 2012 của CTCP Đầu tư tổng hợp Hà Nội (SHN) lần 3 đã nhanh chóng được tiến hành vào sáng ngày 31/5.

Khác hẳn với không khí tại ĐHCĐ năm ngoái, đại hội SHN lần này diễn ra khá ảm đạm. Lượng cổ đông tham dự khoảng 20 người, đại diện cho 3,86% số cổ phần.

Trong phần chất vấn, cổ đông đặt câu hỏi: “Với tình hình khó khăn hiện tại, liệu Công ty có giải thể/phá sản? Khả năng thu hồi công nợ 238 tỷ đồng từ CTCP Beta BQP đến đâu?”.

Ông Đinh Hồng Long, Tổng giám đốc SHN khẳng định, SHN trong vòng 2 năm tới chưa thể phá sản được, trừ khi có nhóm cổ đông nắm trên 75% họp bàn quyết định tự nguyện phá sản. Theo ông Long, một DN phá sản khi có trên 75% số cổ đông tự nguyện giải tán, có tài sản gì bán đi và chia theo tỷ lệ sở hữu. Trường hợp DN lỗ 3 năm liên tiếp thì sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc và có thể dẫn đến phá sản.

“Với trường hợp chẳng may một nhóm cổ đông nắm hơn 75% cổ phần quyết định giải thể Công ty thì phải chấp nhận. Còn về phía Ban điều hành, đến nay, SHN vẫn đang nỗ lực tìm cách giải quyết và duy trì hoạt động Công ty”, ông Long nói.

Hiện tại, khả năng tiếp tục hoạt động của SHN phụ thuộc chủ yếu vào việc thu hồi công nợ từ Beta BQP, cũng như thu xếp các khoản nợ ngắn hạn của SHN.

Ông Long giãi bày, để dính vào khoản nợ khó đòi 238 tỷ đồng tại Beta BQP là điều không lường trước được, do kỳ vọng của HĐQT SHN là quá lớn trong lúc thị trường BĐS nóng, có thể đem lại lợi nhuận cao cho Công ty, nên đã ký hợp đồng hợp tác với Beta BQP. Thông tin mới nhất được báo chí đưa tin đó là ông Nguyễn Anh Quân, Tổng giám đốc Beta BPQ - công ty mà SHN đang đòi nợ đã bị bắt, mở ra cơ hội để SHN thu hồi được công nợ.

Trả lời cổ đông về dòng tiền cũng như nguồn thu chính hiện nay của SHN, ông Long thẳng thắn nói: “Hiện tại và cho đến cuối năm nay, dòng tiền của SHN vẫn có cho hoạt động của Công ty nhưng yếu, chỉ đủ để ‘nuôi quân’. Khoản nợ lớn kể trên cộng với một số khoản nợ khác khiến lãi vay phát sinh cũng gây khó khăn cho hoạt động của Công ty. Khoản giao sắt thép hơn 10 tỷ đồng cho Tập đoàn Sông Đà hiện đang khó đòi. Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu lao động sẽ mang lại cho SHN nguồn thu khoảng 5 - 7 tỷ đồng trong năm nay”.

Về yêu cầu nêu chi tiết của cổ đông đối với các khoản vay và nợ ngắn hạn hơn 254 tỷ đồng và tài sản đảm bảo khoản vay; các khoản phải trả, phải nộp khác trên 56,9 tỷ đồng và khoản phải trả người bán 15,7 tỷ đồng; giải trình các nội dung tại bảng kê chi tiết tài sản dài hạn trên 199 tỷ đồng; tài sản ngắn hạn 294,3 tỷ đồng, bản chất các khoản tạm ứng…, đại diện SHN cho biết, tất cả được thể hiện khá rõ trong báo cáo tài chính có kiểm toán năm 2011 và không giải thích gì thêm.

SHN có vốn điều lệ 324 tỷ đồng, với gần 6.000 cổ đông. Công ty niêm yết trên sàn Hà Nội, từng đạt mức giá cao nhất trên 70.000 đồng/CP, nhưng hiện chỉ có giá 1.700 đồng/CP.        

Tại Đại hội, ông Dương Mạnh Hải, mới trúng cử HĐQT SHN nhiệm kỳ 2012 - 2017 sẽ thay ông Long làm Chủ tịch HĐQT. Ông Dương Mạnh Hải sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT phụ trách chung. Ông Dương Mạnh Hải sinh năm 1957 hiện cũng là Chủ tịch HĐQT của CTCP FFầu tư PV- Inconess (thành viên sáng lập SHN).

Ông Long vẫn giữ chức Tổng giám đốc kiêm Phó chủ tịch SHN.

Kim Lan

đầu tư chứng khoán