Đại biểu HĐND Hà Nội không muốn ‘tô hồng’ các con số

Đại biểu HĐND Hà Nội không muốn ‘tô hồng’ các con số

Dù hàng loạt chỉ tiêu kinh tế - xã hội của thành phố được báo cáo đạt thấp so với nhiều năm song các đại biểu HĐND Hà Nội vẫn e ngại đây vẫn là những con số chưa đúng với thực tế.

Chiều 10/7, thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội của thủ đô 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ cho nửa năm còn lại, nhiều đại biểu đã nêu băn khoăn về các con số trong báo cáo được UBND thành phố trình bày vào buổi sáng. Dẫn mức tăng 7,6% của GDP 6 (thấp hơn so với chỉ tiêu 10-10,5%) gấp 1,7 lần mức tăng trung bình của cả nước, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế đặt câu hỏi liệu thành phố đã đánh giá toàn cảnh và chính xác sức khỏe của nền kinh tế thủ đô hay chưa.

“Điều đó thể hiện qua số lượng các doanh nghiệp đã phá sản, đang chờ phá sản, hoặc ngồi im để bảo toàn vốn, thậm chí biến mất không biết ở đâu. Gắn với đó là số người thất nghiệp và gia đình của các doanh nghiệp đó”, ông Nam nói. Vị đại biểu này cũng nêu lên thực trạng về việc các doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn vay, tín dụng ưu đãi của thành phố. Dù quỹ hỗ trợ của Hà Nội cho doanh nghiệp trong năm 2012 khiêm tốn ở mức 100 tỷ đồng song, cho đến nay, lượng giải ngân chưa tới 18%.

Để cải thiện tình hình kinh tế xã hội của thành phố, ông Nam cho rằng cần phải tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bằng các ưu đãi tín dụng, ngân hàng, giảm - giảm thuế giải quyết hàng tồn đọng… “Thành phố quyết liệt hơn trong tháo gỡ cho các doanh nghiệp, cũng chính là tháo gỡ để phát triển kinh tế, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội”, đại biểu Nam nói.

Vị Trưởng ban này cũng nêu một thực tế là cách sử dụng con số báo cáo của Hà Nội như con số người có việc làm hay thất nghiệp của cùng một người được thống kê trùng lặp nhiều lần dẫn đến thiếu chính xác. “Đây là sự hời hợt, bệnh của kinh tế thành phố. Vì thế, muốn kinh tế Hà Nội tốt lên, cần bắt đúng bệnh”, ông Nam ví von.

Chủ tịch HĐQT Hapro: "Ngân hàng không dám cho doanh nghiệp vay, còn doanh nghiệp thì không dám đi vay". Ảnh: Nguyễn Hưng

Cùng chung băn khoăn về con số thống kê, bà Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, tỷ lệ lên tới 75% số người được giải quyết việc làm so với chỉ tiêu mâu thuẫn so với bối cảnh kinh tế hiện tại. Đây là điều Ban kinh tế Ngân sách rất băn khoăn, không rõ cách tính của thành phố như thế nào.

Đối với các giải pháp được Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu nêu ra sáng 10/7, bà Mai cho rằng, các nhóm đều không mới và chỉ là định hướng chứ không cụ thể, vì làm cho “một năm cũng được, 5 năm cũng được”. Bà Mai đề nghị UBND thành phố tiếp tục làm rõ hơn các giải pháp tháo gỡ.

Liên quan tới nhiệm vụ tăng trưởng cả năm, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Phạm Văn Châm nhìn nhận, nếu quyết tâm giữ nguyên tăng trưởng GDP thì 6 tháng cuối năm kinh tế thủ đô phải tăng trưởng trên 12%. Ông khẳng định, đây là một “nhiệm vụ nặng nề”. Còn ông Nguyễn Đình Dương, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, đạt được GDP 7,6% là một thành tích “rất tốt”.

Đưa ra 2 kịch bản cho kinh tế thủ đô 6 tháng cuối năm, vị Viện trưởng khẳng định, chỉ cần thành phố “giữ được như 6 tháng đầu năm đã là một thành tích tuyệt vời”.

Đại diện cho tiếng nói của khối doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Hữu Thắng cho biết, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là vốn. Tuy nhiên, ngay ở điểm mấu chốt này lại đang tồn tại nghịch lý: “Ngân hàng dù không thiếu vốn nhưng không dám cho doanh nghiệp vay vì sợ không trả được; mặt khác, những doanh nghiệp làm ăn chắc chắn lại không dám vay vì không biết kinh doanh có lãi không”. Theo ông Thắng, đây là lúc hơn bao giờ hết cần vai trò của Nhà nước làm trọng tài để hai bên gặp gỡ nhanh hơn, sâu hơn.

Sáng 11/7, đại biểu HĐND thành phố sẽ thảo luận về chủ đề này tại hội trường.

 

Báo cáo kinh tế xã hội 6 tháng công bố tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội sáng nay cho thấy, tổng sản phẩm trên địa bàn GDP 6 tháng ước tăng 7,6%, thấp hơn kế hoạch là 10-10,5%.

Trong 6 tháng qua đã có hơn 7.700 doanh nghiệp trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài ngừng hoạt động, bằng 68% của cả năm 2011. Có 17 dự án có vốn đầu tư nước ngoài ngừng hoạt động do gặp khó khăn, trong đó, 12 doanh nghiệp bỏ địa điểm kinh doanh và 7 doanh nghiệp đã giải. Doanh nghiệp đăng ký mới cũng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. 6 tháng đầu năm có khoảng 7.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập, bằng 46% về số doanh nghiệp và 44% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2011.

Nguyễn Hưng

vnexpress