“Đại chiến” trên thị trường viễn thông

“Đại chiến” trên thị trường viễn thông

Trước thực tế “châu chấu đá voi”, nhiều đại gia trong làng viễn thông đã thực sự giật mình và tung chiêu hiểm.

Trước áp lực cạnh tranh gay gắt của “Tiểu gia”, mới đây “Đại gia” đã phát động cuộc chiến được đánh giá là không ồn ào, ầm ĩ song là đòn hiểm để loại bỏ đối thủ cạnh tranh. Thị trường sẽ về thế độc quyền, lợi ích người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Phá “băng” thị trường

Nhiều chuyên gia thị trường viễn thông nhận định: Thị trường viễn thông đã ở điểm bão hòa khi ba “Đại gia” Viettel, Vinaphone, Mobifone chiếm hơn 90% thị phần nên cực kỳ khó khăn cho các doanh nghiệp đến sau. Thế nhưng, 80-90% doanh thu của các nhà mạng là đến từ thuê bao trả trước thì có thể thấy: Một lượng lớn khách hàng đang là thuê bao trả trước. Họ sẵn sàng tìm tới nhà mạng có giá cước rẻ, chất lượng, dịch vụ tốt.

Trên thực tế thì sao? Trong bối cảnh “Đại gia” dường như đã đồng thuận, không giảm giá, tránh đối đầu nhằm gia tăng doanh thu từ khách hàng thì sự thâm nhập thị trường của Vietnamobile, Beeline đã đem đến những luồng gió mới, khiến thị trường viễn thông sôi động hẳn lên. Gói cước tỷ phú và điện thoại siêu rẻ của Beeline tung ra trong thời gian từ tháng 9 đến cuối tháng 10/2011, được khách hàng hồ hởi đón nhận. Nhà mạng này, áp dụng khuyến mại 100% giá trị nạp thẻ vào thứ 3 hàng tuần, khiến cước gọi nội mạng hoặc ngoại mạng chỉ còn 675 đồng/phút, thấp nhất thị trường viễn thông (Cước mạng khác 1000 đồng/phút trả sau và 1.350 đồng/phút trả trước). Hàng vạn khách hàng đã hào hứng tìm tới Beeline, tạo nên những “gia đình Beeline”, “công sở Beeline”. Có thời điểm, lượng thuê bao của Beeline tăng gần 400% so với trước khi áp dụng gói cước đó.

Với Vietnamobile, thông qua gói cước Maxi Talk nên đã gặt hái được nhiều thành công. Khách hàng chỉ mất 5.000 đồng nhưng được gọi cả ngày. Maxi Talk cũng đã giành được danh hiệu “gói cước xuất sắc nhất” năm 2010 do Bộ Thông tin và Truyền thông trao thưởng, và nhờ gói cước này, sau hơn một năm triển khai, nhà mạng đã thu hút được hàng triệu thuê bao là học sinh, sinh viên và giới văn phòng.

“Đại gia” không thể làm ngơ

Sự trở lại đầy ấn tượng của “Tiểu gia”, khiến các “Đại gia” viễn thông đứng ngồi không yên. Mạng di động có thị phần thuê bao lớn nhất là Viettel ngay lập tức ra mắt, gói cước Cà chua xanh (Tomato Green), gọi siêu rẻ tới 50 đồng/phút được mạng này áp dụng từ tháng 11/2011 đến hết ngày 30/1/2012...

Còn Mobifone, tung ra gói nội mạng “siêu khủng” Alo 24/7 (áp dụng từ 29/11 - 10/12/2011) được triển khai rất âm thầm khiến các mạng di động khác không khỏi giật mình. Thuê bao của MobiFone khi đăng ký gói cước với giá 4.800 đồng sẽ được hưởng 80 phút sử dụng nội mạng miễn phí…. Tính trung bình ra, mỗi phút thuê bao của MobiFone chỉ phải trả 50 - 60 đồng.

Lý giải về cuộc đua này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, sự canh tranh quyết liệt giữa các nhà mạng sẽ đem lại lợi ích cho người tiêu dùng. Với “Tiểu gia”, lượng thuê bao ít, dù không phát sinh cuộc gọi, tin nhắn thì vẫn phải bỏ chi phí duy trì hoạt động. Vì vậy, việc khuyến mại gọi nội mạng, gọi cước ngoại mạng giá rẻ không phải là tự gây khó khăn cho chính mình, mà ngược lại nó còn đem lại doanh thu cho chính hãng.

Ngược lại, với “Đại gia” có hạ tầng viễn thông lớn, đồng nghĩa thường xuyên phải bỏ ra một chi phí không nhỏ để duy trì hoạt động. Càng mải mê khuyến mại: Gọi nội mạng miễn phí, khuyến mại 100% giá trị thẻ nạp… nhằm giữ chân khách hàng, đồng nghĩa với doanh thu sẽ sụt giảm thê thảm. Cuộc đua càng dài, bất lợi sẽ thuộc về “Đại gia”. Đứng trước thách thức này, mới đây “Đại gia” đã ra đòn hiểm với “Tiểu gia”./.

Phạm Huyền – Quang Trung

VOV online