Phát triển KCN, KKT: Bao giờ hết rào cản?

Phát triển KCN, KKT: Bao giờ hết rào cản?

Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ để các KCN và KKT phát triển như việc phân cấp, ủy quyền cho BQL KCN, KKT trong một số lĩnh vực chưa được thực hiện đầy đủ, nhất quán trên cả nước.

Vướng cơ chế

Sau 20 năm triển khai xây dựng khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) đã có nhiều cơ chế, chính sách được ban hành. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. “Làm thế nào để các KCN và KKT thực sự phát huy hết tiềm năng?”. Đó là vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận tại Hội nghị Câu lạc bộ Ban quản lý (BQL) KCN và KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ VI vừa tổ chức tại TP Huế (Thừa Thiên - Huế).

Cảng Chân Mây - động lực phát triển KKT Chân Mây

Ông Phạm Thuyên - Trưởng BQL KKT Hải Phòng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ BQL KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc cho biết: Cả nước hiện có 267 KCN, 15 KKT ven biển, 28 KKT cửa khẩu với tổng diện tích đất quy hoạch hơn 1.300.000 ha; thu hút hơn 10.000 dự án đầu tư trong và ngoài nước với số vốn đầu tư đăng ký hơn 90 tỷ USD và trên 900.000 tỷ đồng. Doanh thu những năm gần đây đạt từ 38 - 40 tỷ USD, xuất khẩu 18 - 20 tỷ USD, nộp ngân sách nhà nước đạt khoảng 22 - 24 nghìn tỷ đồng, đóng góp trên 30% tổng giá trị sản xuất công nghiệp cả nước, 25% giá trị kim ngạch xuất khẩu và giải quyết việc làm cho 1,6 triệu lao động. Đặc biệt, các KCN, KKT được quy hoạch và phân bố rải đều trên cả nước đã góp phần hình thành khu vực phát triển công nghiệp – đô thị, hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập và đời sống cho người lao động và dân cư.

Tuy nhiên, vai trò, vị trí, xu hướng phát triển KCN và KKT vẫn chưa được đánh giá đầy đủ. Đặc biệt, quá trình triển khai cơ chế, chính sách phát triển KCN và KKT đã bộc lộ một số vướng mắc, những điểm bất hợp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp và địa phương khi triển khai thực hiện. Chẳng hạn, việc phân cấp, ủy quyền cho BQL KCN, KKT trong một số lĩnh vực chưa được thực hiện đầy đủ, nhất quán trên cả nước. Nguyên nhân do không có sự thống nhất với các quy định pháp luật chuyên ngành, chưa được các bộ, ngành hướng dẫn cụ thể, hoặc chủ trương phân cấp, ủy quyền chưa được địa phương quán triệt và thực hiện. Bên cạnh, một số địa phương chưa thực sự chủ động kiện toàn, sắp xếp bộ máy BQL KCN, KKT nên chưa bảo đảm nguồn lực thực hiện. Ngoài ra, công tác xúc tiến đầu tư chưa được thống nhất từ Trung ương đến địa phương đã tạo sự cạnh tranh không hợp lý, thiếu tính ổn định giữa các KCN và KKT nên không thu hút được các nhà đầu tư…

Nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng, Quốc hội cần sớm xây dựng Luật KKT và KCN để tạo cơ chế pháp lý đầy đủ, vững chắc và mang tính thống nhất trong quản lý, tránh tình trạng như hiện nay một số nội dung không thống nhất giữa Nghị định 29 và các văn bản pháp luật khác. Đồng thời, đưa mô hình quản lý các KCN và KKT vào hệ thống nhà nước và có chức năng quyền hạn thống nhất từ Trung ương với các BQL KCN và KKT các tỉnh và thành phố; Sớm cho phép không thu thuế sử dụng đất đối với các dự án làm nhà cho công nhân của các doanh nghiệp đang hoạt động tại các KCN và KKT.

Cần nhiều giải pháp

Từ những vướng mắc nảy sinh, thực tế phát triển các KKT và KCN, ông Ngô Chí Hùng - Phó BQL KCN – KCX Hà Nội cho rằng, Chính phủ cần xác định rõ BQL các KCN và KKT là một chính quyền địa phương, trong đó BQL có nhiệm vụ về chỉ đạo kinh tế trong các KCN như một chính quyền cấp tỉnh theo lĩnh vực chuyên ngành. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan hướng dẫn cơ cấu tổ chức, hoạt động của Thanh tra các KCN, KKT như Thanh tra tỉnh và thành phố; có chính sách cho vay vốn ưu đãi phục vụ công tác giải phóng mặt bằng các dự án xây dựng hạ tầng, tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư và giảm giá cho thuê đất có hạ tầng…

Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có chính sách ưu đãi đầu tư vào các KCN hơn so với bên ngoài nhằm khuyến khích phát triển sản xuất công nghiệp tập trung, phát triển hiệu quả sử dụng đất, sử dụng hạ tầng kỹ thuật, tạo mối quan hệ liên kết trong sản xuất giữa các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất giải quyết một số vấn đề: Thống nhất một mô hình tổ chức cơ quan BQL cấp tỉnh trong cả nước, đổi tên gọi cho phù hợp; Hướng dẫn thực hiện công tác thanh tra, quản lý, bảo vệ môi trường; chính sách và hỗ trợ xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh hoạt động, phát triển các KCN ở vùng sâu, vùng xa có nhiều khó khăn… Đồng thời, xem xét về việc thành lập Hiệp hội Công ty phát triển hạ tầng KCN trực thuộc Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ BQL KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc để tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, đóng góp về cơ chế, chính sách…

Dương Lê

thời báo ngân hàng