TPHCM: "Không để doanh nghiệp thiếu vốn khi có thị trường"

TPHCM: "Không để doanh nghiệp thiếu vốn khi có thị trường"

“Các cơ quan hành chính nhà nước có liên quan tháo gỡ khó khăn từ khâu tín dụng đến đầu ra của sản phẩm, không để doanh nghiệp do thiếu vốn phải ngưng hay thu hẹp sản xuất trong khi có thị trường tiêu thụ, dẫn đến tình trạng người lao động thiếu hoặc mất việc làm” - ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TPHCM chỉ đạo.

Ngày 4/7, phát biểu bế mạc Hội nghị Đảng bộ TP.HCM lần thứ 10, ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, nói: TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 10% trong năm 2012 là một thách thức lớn.

Trong 6 tháng cuối năm, TPHCM tập trung tháo gỡ khó khăn về vốn, mở rộng thị trường, thực hiện các biện pháp miễn, giảm, giãn thời hạn nộp thuế cho các đối tượng ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, nắm bắt cụ thể tình hình để có biện pháp phù hợp.

“Các cơ quan hành chính nhà nước có liên quan tháo gỡ khó khăn từ khâu tín dụng đến đầu ra của sản phẩm, không để doanh nghiệp do thiếu vốn phải ngưng hay thu hẹp sản xuất trong khi có thị trường tiêu thụ, dẫn đến tình trạng người lao động thiếu hoặc mất việc làm” - ông Lê Thanh Hải chỉ đạo.

Theo báo cáo của UBND TPHCM, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 6 tháng đầu năm là 8,1%, gấp 1,85 lần so với mức tăng của cả nước.

Tham dự cuộc họp trên, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết: các ngân hàng trên địa bàn đã giải ngân hoàn toàn gói cho vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng của TPHCM với lãi suất cho vay của gói vốn này là từ 12 - 13%/năm.

Theo ông Minh, nhờ gói vốn trên đã góp phần đẩy nhanh dư nợ tín dụng của khu vực TPHCM đến cuối tháng 6 tăng hơn 1,9%, thay vì âm trong 5 tháng trước đó.

Ông Minh cho biết thêm, phần vốn giải ngân trên chủ yếu được cung ứng từ 4 ngân hàng quốc doanh là BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank. Đây đều là những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp.

Tại cuộc họp, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM cũng nhìn nhận thực tế một số doanh nghiệp đủ điều kiện nhưng không dám vay thời điểm này vì không có thị trường, hàng tồn kho nhiều, phải thu hẹp sản xuất. Hiệp hội đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho các doanh nghiệp được vay đảo nợ với mức lãi suất hiện hành (thay vì trước đây trên 20%), giúp doanh nghiệp giảm số lãi phải trả hàng tháng, tập trung sản xuất, kinh doanh tốt hơn, làm cho thị trường ấm lên.

thời báo ngân hàng