Tại sao công ty tài chính “muốn” ngân hàng thương mại?

Tại sao công ty tài chính “muốn” ngân hàng thương mại?

Liệu có diễn ra trào lưu các công ty tài chính “đua nhau” tìm cách chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình ngân hàng thương mại?

Tổng Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam (HOSE: PVF) trong đại hội cổ đông năm 2012 đã từng đề cập đến mong muốn chuyển đổi mô hình hoạt động sang một ngân hàng thương mại.

Thông tin PVF hợp nhất với một ngân hàng thương mại đã “râm ran” cả nửa năm nay; và trong vài ngày gần đây đã xôn xao trở lại khi có những tiến triển mới cụ thể hơn.

Vậy đâu là những lý do thôi thúc công ty tài chính muốn trở thành một ngân hàng thương mại?

Khắc phục hạn chế hoạt động của mô hình công ty tài chính. Theo Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, công ty tài chính là tổ chức tín dụng phi ngân hàng và không được nhận tiền gửi của cá nhân. Thay vào đó, công ty tài chính chỉ được huy động vốn từ thị trường liên ngân hàng và từ tổ chức, mà có thể hiểu là các tổ chức/công ty thành viên có quan hệ.

Bên cạnh đó, công ty tài chính cũng không được cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng (séc, ủy nhiệm thu/chi, thẻ ngân hàng…).

Như vậy, có thể thấy mô hình công ty tài chính không tận dụng được nguồn tiền gửi từ khu vực dân cư, nguồn tiền lãi suất thấp từ các tài khoản thanh toán và kênh phân phối cũng bị bó hẹp.

Điều này khiến hoạt động huy động vốn của công ty tài chính chịu sức ép đáng kể so với các ngân hàng thương mại, đặc biệt trong các giai đoạn căng thẳng thanh khoản và khối tổ chức/doanh nghiệp khan hiếm dòng tiền.

Một hệ quả có thể nhìn thấy được là khả năng sinh lời của công ty tài chính đã bị thu hẹp mạnh trong thời gian qua.

Để giảm bớt những hạn chế này, công ty tài chính thường thực hiện các dịch vụ hợp tác đầu tư, ủy thác đầu tư…để cải thiện nguồn vốn huy động. Tuy vậy, hoạt động này cũng không thể giúp công ty tài chính có được sự linh hoạt như các ngân hàng thương mại.

Cải thiện quản trị rủi ro, gia tăng hiệu quả. Do kênh huy động bị hạn chế nên nguồn vốn chủ yếu đến từ việc huy động nội bộ trong tập đoàn và khối doanh nghiệp có quan hệ kinh doanh. Điều này mặc dù tạo ra lợi ích luân chuyển dòng vốn nhưng công ty tài chính cũng có thể chịu sự ràng buộc hay lệ thuộc nhất định trong hoạt động cho vay, đầu tư…

Việc áp dụng các chuẩn mực quản trị của một ngân hàng sẽ giúp quản trị rủi ro tốt hơn, đặc biệt là rủi ro thanh khoản hay rủi ro tín dụng.

Tận dụng mạng lưới, nguồn lực của ngân hàng. Do mô hình hoạt động bị hạn chế nên mạng lưới hoạt động của công ty tài chính thường khá hẹp.

Việc hợp nhất với một ngân hàng khác sẽ giúp nhanh chóng có thêm nhiều chi nhánh, phòng giao dịch mà không tốn nhiều thời gian đầu tư. Bên cạnh đó là khả năng tận dụng công nghệ, kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ.

Dễ dàng thực hiện tái cấu trúc? Ngân hàng thường là một định chế nhạy cảm và “không thể sụp đổ”. Việc hoạt động dưới một ngân hàng thương mại sẽ giúp công tác tái cấu trúc (nếu có) được sự ủng hộ của Ngân hàng Nhà nước và rõ ràng là dễ thực hiện hơn rất nhiều.

Giấy phép thành lập ngân hàng. Với thực tế ngành ngân hàng Việt Nam đang tiến hành tái cấu trúc, việc xin giấy phép thành lập ngân hàng mới hay chuyển đổi mô hình một cách trực diện là điều gần như không thể trong lúc này. Do đó, việc hợp nhất với một ngân hàng khác là giải pháp để nhanh chóng trở thành một ngân hàng thương mại và tận dụng các lợi điểm nêu trên.

Câu hỏi đặt ra là với khá nhiều lợi điểm như thế này, liệu có diễn ra trào lưu các công ty tài chính “đua nhau” tìm cách chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình ngân hàng thương mại trong thời gian tới?

Duy Nam (Vietstock)

ffn