Carlsberg tham vọng mở rộng thị phần

Carlsberg tham vọng mở rộng thị phần

Tăng cường sở hữu thương hiệu địa phương nổi tiếng tại mỗi quốc gia là cách Tập đoàn Carlsberg gia tăng uy tín, phát triển thương hiệu chủ lực của mình.

Cuối tuần qua, Bộ Công thương yêu cầu Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) bán 13% vốn điều lệ cho Tập đoàn Carlsberg (Đan Mạnh), tương đương 30,134 triệu cổ phiếu, với giá 50.015 đồng/cổ phiếu (bằng giá đã đấu giá thành công lần đầu ra công chúng vào năm 2008). Dự kiến, Habeco sẽ thu về khoảng hơn 1.507 tỷ đồng.

Như vậy, việc được “ăn” thêm 13% vốn điều lệ Habeco của Carlsberg là nằm trong lộ trình, song nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt, Carlsberg khó có thể hoàn thành tâm nguyện của mình đối với Habeco.

Phải nhắc lại, năm 2008, Carlsberg đã được chỉ định là đối tác chiến lược của Habeco và mua lại 16% cổ phần của Habeco. Tháng 9/2009, Carlsberg đã đề nghị được nâng tỷ lệ sở hữu Habeco lên 30% và đã được chấp nhận. Song đến thời điểm này, cổ phiếu Habeco vẫn chưa được niêm yết hoặc đăng ký giao dịch.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Vương Toàn, Phó tổng giám đốc Habeco cho biết, Habeco vẫn đang xây dựng lộ trình niêm yết. Trong đó, vướng mắc cơ bản là giá trị đất trụ sở chính của Habeco tại 183 Hoàng Hoa Thám (Ba Đình - Hà Nội) do chưa được tính đầy đủ vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hoá.

Đối với Habeco, Carlsberg có sự hợp tác đầu tiên tại thị trường miền Nam với việc thành lập liên doanh Nhà máy Bia Hà Nội – Vũng Tàu, có công suất 50 triệu lít/năm, với tổng vốn đầu tư 30 triệu USD, trong đó Habeco nắm 45%. Ông Hoàng Đạo Hiệp, Giám đốc Marketing khu vực Đông Dương của Carlsberg, cho hay: “Habeco là công ty bia số 1 tại miền Bắc Việt Nam, nơi Carlsberg hoạt động thông qua các liên doanh tại Hà Nội và Hạ Long. Việc gia tăng hợp tác sẽ tạo cơ hội cho hai công ty cùng nhau tiếp tục củng cố vị thế của mình tại miền Bắc và miền Trung”.

Tại thị trường miền Trung, Carlsberg đang nắm 100% cổ phần tại Công ty Bia Huế và đang dẫn đầu thị trường này. Được biết, tại Khu công nghiệp Phú Bài, bên cạnh nhà máy đang hoạt động với công suất 160 triệu lít/năm, đầu năm 2013, Bia Huế sẽ đầu tư mở rộng thêm nhà máy mới tại đây, với công suất 188 triệu lít/năm, đồng thời đóng cửa nhà máy tại Phú Thượng. Dự kiến, năm 2014, nhà máy mới sẽ đi vào hoạt động, nâng tổng công suất của Bia Huế lên 348 triệu lít/năm.

Cũng theo ông Điệp, Việt Nam ngày càng quan trọng trong chiến lược của Carlsberg ở châu Á. “Mặc dù trong suy thoái kinh tế, tốc độ tăng trưởng có chậm lại, nhưng trong cơ cấu sản lượng tiêu thụ và doanh thu của Carlsberg, thị trường Việt Nam chỉ đứng sau Nhật Bản và Hàn Quốc”, ông Điệp nói.

Với những động thái gia tăng tỷ lệ cổ phần ở hầu hết các công ty bia ở Việt Nam, Carlsberg kỳ vọng sẽ gia tăng uy tín để phát triển thương hiệu bia truyền thống của mình. “Trong chiến lược của chúng tôi, thương hiệu địa phương như Bia Hà Nội và Bia Huế rất quan trọng. Chúng tôi nhìn thấy nhiều tiềm năng để cùng hợp tác đầu tư và có kết quả kinh doanh tốt hơn”, ông Điệp nói và cho biết thêm.

Hiện Carlsberg có khoảng 500 nhãn hiệu bia khác nhau trên toàn cầu. Tại mỗi quốc gia khi thâm nhập, ngoài việc phát triển những thương hiệu truyền thống, cốt lõi của mình, Carlsberg đều nhắm đến vài thương hiệu bia nổi tiếng tại quốc gia đó. Đặc biệt, ông Jrgen Buhl Rasmussen, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Carlsberg đã từng khẳng định, trong chiến lược tìm đối tác lâu dài, Carlsberg không tìm đến các nhãn hiệu bia của tư nhân, trừ một số thị trường đặc biệt và không còn sự lựa chọn nào khác.

Anh Hoa - Trần Chởi

đầu tư