Rót hàng trăm tỷ cho truyền tải điện, khai thác nhỏ giọt

Rót hàng trăm tỷ cho truyền tải điện, khai thác nhỏ giọt

Ngành điện đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng hệ thống biến áp, truyền tải điện về các khu kinh tế, KCN ở Quảng Ngãi, nhưng quy hoạch quá cao với nhu cầu thực tế, công suất truyền tải điện dư thừa, gây lãng phí lớn.

Trạm biến áp 500 KV ở khu vực Dốc Sỏi, xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn có công suất truyền tải 450 MW, vốn đầu tư hơn 700 tỷ đồng thế nhưng hiện tại chỉ hoạt động 1/3 công suất.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2006 – 2010, tỉnh phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP 12 – 13%, kim ngạch xuất khẩu đạt 60 – 70 triệu USD. Với quy hoạch tổng thể này, nhu cầu truyền tải điện tỉnh Quảng Ngãi khoảng 320MW, tương đương 1,7 tỷ kW/h. Trong đó, tập trung đẩy mạnh phát triển khu kinh tế Dung Quất, thu hút các dự án lớn như nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhà máy luyện cán thép, nhà máy đóng tàu, công nghiệp nặng. Phát triển các khu công nghiệp Tịnh Phong, Quảng Phú, Phổ Phong; TP Vạn Tường, khu đô thị Dốc Sỏi…

Để đáp ứng nhu cầu này, ngành truyền tải điện đã đầu tư hệ thống truyền tải qui mô lớn, trong đó xây 1 trạm biến áp 500Kv, 2 trạm 220Kv tại huyện Mộ Đức và Dung Quất, trạm 110Kv Dung Quất. Tổng công suất lắp đặt lên đến 650MW. Với công suất này có thể đảm bảo truyền tải điện an toàn cho tất cả các phụ tải nhà máy, xí nghiệp ở KKT Dung Quất và tỉnh Quảng Ngãi.

Trong quy hoạch tổng thể ban đầu, ngành truyền tải điện Quảng Ngãi tính toán cung ứng điện cho nhà máy lọc dầu Dung Quất nhưng khi dự án này triển khai có đầu tư riêng cả phân xưởng tự sản xuất điện để vận hành. Điều này gây dư thừa công suất truyền tải điện cho Trạm biến áp 500Kv.

Trên thực tế, trạm biến áp 500Kv Quảng Ngãi được đưa vào hoạt động từ năm 2009 gần khu vực Dốc Sỏi, xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn. Với công suất truyền tải 450MW, ngoài việc hỗ trợ vận hành lưới điện quốc gia, mục tiêu trọng tâm của trạm là đáp ứng nhu cầu truyền tải điện cho các phụ tải là nhà máy ở khu kinh tế Dung Quất. Sau gần 3 năm đưa vào vận hành, trạm biến áp 500Kv này có vốn đầu tư 700 tỷ đồng, chỉ khai thác được một phần ba công suất thiết kế.

Ông Nguyễn Hữu Nhật, Trưởng trạm biến áp 500Kv (Truyền tải điện Quảng Ngãi) cho biết hiện tại công suất của trạm đảm bảo vận hành 450MV nhưng thực tế phụ tải dao động từ 100MW đến 150 MW. Do suy thoái kinh tế, nhiều nhà máy chậm triển khai hoặc không đầu tư theo kế hoạch ban đầu tại khu kinh tế Dung Quất nên trạm vẫn chưa khai thác hết công suất lắp đặt của máy.

Nhiều hạng mục khác cũng được đầu tư quá cao so với nhu cầu thực. Cụ thể là các phụ tải lớn như nhà máy lọc dầu Dung Quất có đầu tư riêng cả phân xưởng tự sản xuất điện để vận hành; một số nhà máy quy mô lớn còn lại hoạt động cầm chừng, nhu cầu điện không cao, thậm chí nhiều dự án vẫn chưa đầu tư. Do ít phụ tải, nhu cầu sử dụng điện thấp hơn nhiều so với quy hoạch, dẫn đến tình trạng dư thừa công suất truyền tải điện.

Ông Trương Quang Dũng, Phó giám đốc Sở Công Thương Quảng Ngãi cho biết, hiện công suất truyền tải điện thực tế trên địa bàn toàn tỉnh chỉ đạt 30% so với thiết kế.

Theo ông Dũng, đưa ra quy hoạch tổng thể, đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn với mục tiêu "đi trước đón đầu". Tuy nhiên trước khi đưa ra quy hoạch, các cơ quan chức năng đã không đánh giá đúng, vô tình đã tạo khoảng cách xa giữa quy hoạch và thực tế. Điều này đã gây một sự lãng phí lớn cho các nhà đầu tư, cũng như ngân sách nhà nước.

Còn ông Trần Hoàng Đạo, phó giám đốc Truyền tải điện Quảng Ngãi thì cho rằng, mong muốn của ngành truyền tải thì lúc nào cũng khai thác hết những gì mình đầu tư. Thế nhưng cấp điện thì phụ thuộc vào phụ tải là các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp. Tất nhiên một khi đầu tư kinh phí lớn mà không khai thác hết công suất thì hiệu quả kinh tế đạt thấp so với kế hoạch là điều khó tránh khỏi.

Trí Tín

Vnexpress