Vì sao thị trường IPO Mỹ sắp đóng băng?

Vì sao thị trường IPO Mỹ sắp đóng băng?

Khi thời kỳ bùng nổ công nghệ lên đến đỉnh điểm cách đây hơn một thập kỷ, rất nhiều công ty muốn bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán và nhà đầu tư cũng đạt được mức sinh lời đáng thèm muốn. Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, số vụ IPO ngày càng ít và tỷ suất sinh lời cũng khiêm tốn hơn.

* Dow Jones tái vượt mốc 13,000 trong “ngày thứ Sáu đen”

* TTCK Nhật Bản: Nikkei 225 gọi “bình minh” nền kinh tế?

 

Theo số liệu của Dealogic, các doanh nghiệp Mỹ có thể huy động được hơn 45 tỷ USD từ hoạt động chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong năm nay, mức cao nhất kể từ năm 2007. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ thì có thể thấy bức tranh thị trường IPO kém khả quan hơn so với thực tế.

Cụ thể, gần 1/3 lượng tiền huy động được từ các vụ IPO trong năm nay đến từ một thương vụ, đó là đợt chào bán trị giá 16 tỷ USD của Facebook trong tháng 5/2012. Hơn nữa, số lượng doanh nghiệp tiến hành IPO trong năm nay có thể đứng ở mức thấp nhất trong 3 năm.

Thêm vào đó, số lượng doanh nghiệp có kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu cũng đang teo tóp. Số liệu từ Dealogic cho thấy trong số 437 doanh nghiệp đã nộp hồ sơ IPO trong năm nay thì có đến 178 công ty rút lui hoặc trì hoãn niêm yết.

Diễn biến của thị trường IPO không chỉ có ý nghĩa đối với thị trường chứng khoán. Ngoài việc trao cho nhà đầu tư cơ hội mua vào các công ty có tốc độ tăng trưởng nhanh trên thị trường, hoạt động IPO còn giúp doanh nghiệp có tiền để mở rộng kinh doanh và tuyển dụng nhân viên.

Scott Cutler, Trưởng bộ phận niêm yết toàn cầu của NYSE Euronext – nhà điều hành Sở GDCK New York (NYSE) – ước tính hơn 90% tăng trưởng nhân viên của một doanh nghiệp đại chúng diễn ra sau khi doanh nghiệp đã lên sàn.

Hoạt động IPO chủ yếu phụ thuộc vào tình hình chung của thị trường chứng khoán. Chẳng hạn như khi thị trường sụt giảm, các doanh nghiệp không muốn phát hành cổ phiếu.

Từ đầu năm đến nay, S&P 500 đã tăng hơn 11% nhưng đi kèm với đó là các đợt điều chỉnh mạnh do nhà đầu tư lo sợ về khủng hoảng nợ châu Âu, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng như các biện pháp nâng thuế và cắt giảm chi tiêu (vực thẳm tài khóa) sắp được áp dụng.

Bên cạnh đó, vụ IPO đình đám của Facebook cũng tác động xấu đến thị trường. Đây là đợt chào bán cổ phiếu được chờ đợi nhiều nhất kể từ khi Google lên sàn vào năm 2004. Tuy nhiên, mối lo ngại về doanh thu của Facebook đã khiến nhà đầu tư hoảng sợ và vụ IPO càng trở nên bê bối hơn bởi sự cố kỹ thuật.

Cổ phiếu Facebook được định giá ở mức 38 USD/cp nhưng ngay lập tức lao dốc sau đó và rớt xuống tới 17.55 USD/cp vào ngày 04/09. Diễn biến tiêu cực này đã khiến thị trường IPO đóng băng hơn một tháng cho đến ngày 16/06 khi công ty năng lượng EQT Midstream Partners phát hành cổ phiếu. Trong khi đó, một số doanh nghiệp khác như American Tire Distributors và Crosair quyết định rút lại kế hoạch IPO.

Theo số liệu từ tổ chức phân tích thị trường Ipreo, số doanh nghiệp có kế hoạch IPO giảm xuống còn 39 trong tháng 11/2012, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2009 – tức sau khi suy thoái kết thúc. Được biết kể từ tháng 9/2011 đến nay, số lượng doanh nghiệp dự định chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng liên tục suy giảm.

Ông Scott Cutler cho rằng phần lớn nguyên nhân là do bộ luật được thông qua vào tháng 4/2012 với nội dung tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ dàng thu hút vốn hơn. Theo đó, doanh nghiệp có thể bí mật thông báo cho các nhà điều hành ý định lên sàn.

Theo ông, nếu môi trường kinh doanh tiếp tục ổn định, tốc độ nộp hồ sơ IPO sẽ cải thiện nhẹ trong năm tới khi các doanh nghiệp đã quen với bộ luật mới. Bộ luật này cho phép doanh nghiệp không công bố các thông tin quá nhạy cảm và có thể ra thông báo ngắn hơn. Xét cho cùng điều này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp lên sàn.

Số liệu của Dealogic cho thấy tỷ suất sinh lời của các vụ IPO trong năm nay là 11%, thấp hơn so mức bình quân 88%/năm kể từ năm 1999 nhưng gần bằng với mức bình quân của toàn thị trường.

Theo số liệu từ công ty tư vấn đầu tư IPO Renaissance Capital, các vụ IPO thành công nhất từ đầu năm đến nay là của Guidewire Software (nhà cung cấp phần mềm trong ngành bảo hiểm) và Nationstar Mortgage Holdings (nhà cung cấp dịch vụ thế chấp tại Texas). Hiện cổ phiếu của Guidewire đã lên 30 USD/cp so với mức 13 USD/cp trong ngày chào sàn, còn cổ phiếu của Nationstar tăng gần gấp đôi từ 14 USD/cp lên 27.35 USD/cp.

Phước Phạm (Vietstock)

FFN