Buồn lòng phát hành….dưới mệnh giá!

Buồn lòng phát hành….dưới mệnh giá!

Kinh doanh khó khăn, lãi suất cho vay cao, cửa ngân hàng cũng dần khép, huy động vốn từ thị trường chứng khoán cũng không dễ dàng gì khi giá cổ phiếu quá “bèo”, việc phát hành dưới mệnh giá dường như lại rất mới mẻ khiến cơ quan quản lý và các bên liên quan e dè.

Nhìn lại những năm trước của thị trường chứng khoán, có thể thấy việc phát hành dưới mệnh giá không phải là chưa có tiền lệ. Bởi cách đây ba năm, CTCP Nước giải khát Sài Gòn (TRI) là đơn vị đầu tiên và cũng là đơn vị duy nhất tính đến nay đã chào bán cổ phiếu “giá bèo” thành công. Vào năm 2009, TRI đã chào bán thành công 20 triệu cổ phiếu với giá 7,520 đồng/cp (mệnh giá 10,000 đồng) cho ba đối tác, bao gồm Đầu tư Kinh Đô 4,684,000 cp; Uni President Việt Nam 9,800,000 cp và Tribeco Bình Dương 5,516,000 cp.

Đến năm 2012, trào lưu này dường như đang manh nha mở rộng, bởi tới nay đã có thêm 5 doanh nghiệp lần lượt công bố kế hoạch phát hành cổ phần dưới mệnh giá: VDS, DTA, THV, TTFTienPhongBank. Tại những thời điểm mà các doanh nghiệp quyết định kế hoạch phát hành trên, cổ phiếu của họ đều đang giao dịch dưới mệnh giá, VDS giao dịch xoay quanh mức 5,500 đồng/cp, DTA 5,600 đồng/cp, THV trong vòng một tuần trước ĐHĐCĐ trên có giá chưa đến 3,000 đồng/cp, TTF vào cuối tháng 6/2012 cũng có giá dao động trong khoảng 7,000 đồng/cp.

Tuy nhiên, những công ty này đã không được “may mắn” như TRI khi tất cả những dự định trên vẫn còn bị “treo”. Việc phát hành dưới mệnh giá gặp nhiều trắc trở từ các bên liên quan cũng như biến động của thị trường chứng khoán.

Nghị quyết ĐHĐCĐ của CTCK Rồng Việt (HNX: VDS) vào tháng cuối tháng 3/2012 đưa ra kế hoạch chào bán riêng lẻ 35.02 triệu cp với giá tối thiểu 7,000 đồng/cp cho các đối tác chiến lược nhằm bổ sung vốn hoạt động.

Cuối tháng 4/2012, ĐHĐCĐ thường niên của CTCP Đệ Tam (HOSE: DTA) cũng thông qua phương án phát hành thêm 5 triệu cổ phiếu với giá không thấp hơn 7,000 đồng/cp theo phương thức chào bán riêng lẻ. Dự kiến số tiền thu được sẽ được đầu tư vào các dự án bất động sản.

ĐHĐCĐ thường niên 2012 lần thứ 2 của Tập đoàn Thái Hòa (HOSE: THV) tổ chức hôm 16/05 thông qua việc phát hành hơn 42 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược với giá 6,000 đồng/cp trong năm 2012.

Đến tháng 6/2012, tập đoàn Gỗ Trường Thành (HOSE: TTF) công bố thông qua kế hoạch phát hành cổ phần mới cho cổ đông hiện hữu với giá 5,000 đồng/cp. Đây là phương án đề phòng trường hợp thương thảo phát hành cổ phiếu và trái phiếu với cổ đông chiến lược đến từ Hàn Quốc bất thành.

Và mới đây Ngân hàng Tiên Phong (TienPhong Bank) cũng quyết định phát hành 225 triệu cổ phiếu với giá 6,000/cp. Đối tượng chào bán là dưới 100 nhà đầu tư cá nhân/tổ chức có tiềm lực tài chính, cam kết đầu tư lâu dài.

Cả 5 doanh nghiệp vẫn đang “dở dang” kế hoạch, có đơn vị chưa kịp thực hiện thì giá cổ phiếu đã rớt xuống dưới giá dự kiến chào bán trước đó; hay cũng có trường hợp doanh nghiệp đã được ĐHĐCĐ thông qua và cũng tìm được đối tác mua cổ phần nhưng lại vướng mắc về thủ tục khi UBCK chưa đồng ý.

Trao đổi cùng chúng tôi, bà Phạm Thị Kim Xuân - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc DTA - cho biết, do tình hình thị trường tiếp tục không tốt nên Đệ Tam vẫn đang phải tính toán lại phương án phát hành cổ phiếu. Tại thời điểm xin ý kiến ĐHĐCĐ trước đây, mức giá phát hành được thông qua là không thấp hơn 7,000 đồng. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành thủ tục để trình lên UBCK thì giá cổ phiếu DTA đã giảm đi gần một nửa. Vì thế, DTA quyết định không trình lên UBCK phương án này bởi nhà đầu tư chắc chắn sẽ không mặn mà gì với mức giá mà Đệ Tam đưa ra ban đầu.

Còn dưới góc độ của cơ quan quản lý, một lãnh đạo UBCK đã có phát biểu trên báo Đầu tư chứng khoán rằng, tuy Luật doanh nghiệp không cấm nhưng UBCK vẫn đang lo lắng về phát sinh liên quan đến nghĩa vụ trả nợ nếu doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán. “UBCK sẽ rơi vào tình trạng khó xử nếu phía chủ nợ cho rằng, UBCK phải chịu nghĩa vụ liên đới do họ đã để nhà đầu tư thực góp ít hơn số tiền mà họ phải chịu trách nhiệm tại doanh nghiệp vì họ được mua dưới mệnh giá” - Vị lãnh đạo này nói.

Trở lại trường hợp của DTA, khi được hỏi về các kênh huy động vốn khác nếu phương thức phát hành cổ phiếu của DTA không thành công thì bà Xuân cho biết mặc dù có rất nhiều phương án huy động vốn, tuy nhiên do tình hình khó khăn nên cơ hội tiếp cận với nguồn tín dụng ngân hàng cũng như kênh phát hành trái phiếu là không dễ dàng. Vì vậy, sắp tới công ty sẽ tiếp tục hoạt động “cầm chừng” đợi thị trường khởi sắc rồi mới tính tới các phương án khác.

Người trong cuộc, mỗi bên đều có cái lý riêng, nhưng hoạt động của doanh nghiệp thì vẫn phải tiếp diễn và giải pháp nào cho câu chuyện về vốn vẫn còn bỏ ngõ!

Thanh Thảo (Vietstock)

FFN