Đơn hàng dệt may, da giày đầu năm 2013 khả quan

Đơn hàng dệt may, da giày đầu năm 2013 khả quan

Đến thời điểm này tình hình đơn hàng dệt may, da giày xuất khẩu cho những tháng đầu năm 2013 tương đối ổn định hơn so với năm 2012, nhưng cũng có trường hợp khách hàng chưa quyết định khối lượng và giá cả.

Bà Đặng Phương Dung, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), cho biết không có thống kê cụ thể về số doanh nghiệp có đơn hàng trong những tháng đầu năm tới. Tuy nhiên, phản ảnh của các doanh nghiệp dệt may cho thấy tình hình đơn hàng trong năm 2013 nhìn chung khả quan hơn so với năm 2012, xét về số lượng đơn hàng.

Một số doanh nghiệp dệt may khi được hỏi cũng cho biết đã có đơn hàng đến giữa năm sau. Vào ngày 10-12, ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần May Sài Gòn 2, cho biết khách hàng đã đặt trước về năng lực sản xuất hàng may mặc đến hết tháng 6-2013, cho các thị trường Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Tuy nhiên, khách hàng vẫn chưa chốt giá.

Đại diện của công ty Pou Yuen (Đài Loan) chuyên sản xuất giày thể thao xuất khẩu cho biết, công ty thực hiện đơn hàng từ nhiều thương hiệu giày. Do đó, tình hình đơn hàng đối với mỗi thương hiệu giày lại khác nhau. Nhưng, nhìn chung, nếu trong ba quí đầu năm 2012 lượng đơn hàng sụt giảm mạnh, thì trong quí 4 năm nay và hai quí đầu năm 2013 tình hình khả quan hơn.

Theo Bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc công ty giày Liên Phát, trong ngành giày tình hình đơn hàng còn tùy thuộc vào loại mặt hàng xuất khẩu. Cụ thể, theo bà Liên, những doanh nghiệp xuất khẩu giày thể thao vẫn có đơn hàng, trong khi doanh nghiệp sản xuất giày thời trang, như giày nữ, dép và giày thiếu nhi lại gặp khó khăn.

Hiện công ty xuất khẩu giày nữ như Liên Phát vẫn đang trong quá trình trao đổi với khách hàng chứ chưa có đơn đặt hàng cụ thể. Theo bà Liên, điều này cho thấy tình hình xuất khẩu trong năm tới vẫn còn khó khăn.

Trước đó, bà Liên cho biết, vì tình hình thị trường EU vẫn khó khăn, nên công ty đã chủ động tìm đến khách hàng Nhật Bản.

Mặc dù có đơn hàng, nhưng có thể trong năm tới doanh nghiệp dệt may, da giày tiếp tục khó có lợi nhuận cao khi tình hình thị trường vẫn còn khó khăn khiến doanh nghiệp khó thương lượng được giá cao với khách hàng. Trong khi đó, chi phí đầu vào tiếp tục tăng do việc tăng lương tối thiểu, tăng giá điện,…

Theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm nay đến ngày 15-12, Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may với kim ngạch 14,3 tỉ đô la Mỹ, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái, và giày dép các loại với kim ngạch 6,8 tỉ đô la Mỹ, tăng 11,7%.

Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hai nhóm hàng này chủ yếu nhờ các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Theo thông tin do trang web của VITAS trích dẫn từ Trung tâm thông tin thương mại, các doanh nghiệp dệt may có kim ngạch xuất khẩu lớn trong 10 tháng đầu năm 2012 chủ yếu là các doanh nghiệp FDI, như các công ty may mặc của Hàn Quốc tại Việt Nam (Công ty TNHH Hansae Việt Nam, Công Ty TNHH EINS VINA, Công Ty TNHH HANSOLL VINA,...), hay Công ty TNHH HANESBRANDS Việt Nam, Chi nhánh Huế (Mỹ).

T.Thu

TBKTSG