Tài chính, chứng khoán vẫn nhiều thách thức trong 2013

Tài chính, chứng khoán vẫn nhiều thách thức trong 2013

Một năm 2012 đầy khó khăn đã đi qua nhưng năm 2013 sẽ còn nhiều thách thức, bộn bề lo toan. Tuy nhiên, các lãnh đạo trong ngành tài chính, chứng khoán cho rằng kinh tế sẽ phục hồi với điều kiện Chính phủ thực thi tốt những chủ trương đề ra.

Ông Nguyễn Phước Thanh

Tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Phước Thanh: Năm 2012 Vietcombank (VCB) dự kiến chỉ đạt 90% kế hoạch lợi nhuận, do kinh doanh ngân hàng đã khó hơn năm trước đó. Vì vậy, thưởng tết của cán bộ công nhân viên cũng sẽ không bằng năm ngoái, nhưng chúng tôi dự định sẽ thưởng 2 tháng lương cho cán bộ công nhân viên. Tôi cho rằng trong năm 2013, khó khăn sẽ chưa chấm dứt, Vietcombank chỉ phấn đấu đạt bằng 2012.

Hiện tại nợ xấu là vấn đề quá lớn, cần giải quyết căn cơ, xử lý kỹ thuật thôi thì chưa đủ. Ví dụ như các ngân hàng có lợi nhuận để bù vào trích lập dự phòng, nhưng vấn đề chính phải là thu hồi nợ. Trong khi hiện tại 90% tài sản thế chấp là bất động sản, ngân hàng chưa bán được và tôi cũng chưa kỳ vọng trong năm 2013 này sẽ nhanh chóng bán được hết. Việc thành lập Công ty mua bán nợ quốc gia (AMC) sẽ giúp ngân hàng giải quyết được vài phần trăm trong tổng số nợ xấu, tuy vậy cũng đã là tốt lắm rồi. Nhưng vấn đề là nhà nước và doanh nghiệp phải chịu thiệt, chấp nhận hạ giá để tăng sức cầu. Nếu bất động sản hết đóng băng thì khó khăn sẽ dần qua đi.

Lãi suất giảm chưa phải là liều thuốc tiên. Chỉ khi nhà nước nhìn vào hiệu quả đầu tư công, sử dụng vốn hợp lý, cải cách nhanh chóng doanh nghiệp nhà nước thì mới mong kinh tế vĩ mô cải thiện. Hiện tại hệ số sử dụng vốn ICOR vẫn rất cao, cho thấy việc đầu tư nhiều, nhưng hiệu quả thấp.

Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phương Đông (OCB): Tôi mong rằng với các giải pháp vừa đề ra của Chính phủ, kinh tế vĩ mô năm nay sẽ bớt khó khăn hơn. Tôi vẫn thấy Chính phủ đã chọn tiếp mục tiêu kiềm chế lạm phát thay vì chú trọng tăng trưởng, cụ thể là tăng trưởng tín dụng năm 2013 chỉ đưa ra mục tiêu vào khoảng 6-7%, đây là hướng đi đúng.

Ông Trịnh Văn Tuấn.

Các biện pháp của Chính phủ đưa ra khá trễ, nhưng “có còn hơn không”. Chúng tôi cho rằng vấn đề còn lại là thực hiện như những gì đã nói, vì thực tế người dân sẽ không còn nhiều cú sốc như 2012 vì ai cũng biết tình hình kinh tế đang xấu.

Tuy vậy vẫn phải nỗ lực rất nhiều để nền kinh tế quay lại đà “chạy ầm ầm” như các năm trước, nhưng chạy mà bền vững, không để lại hậu quả nghiêm trọng là điều quan trọng nhất.

Bản thân ngân hàng chúng tôi cũng có nhiều chật vật hơn trong năm qua, và lương thưởng của cán bộ công nhân viên cũng sẽ không có nhiều trong 2012, nhưng tôi hi vọng đến cuối năm 2013 tình hình sẽ khác.

Ông Nguyễn Đô Lăng

Nguyễn Đỗ Lăng, Chủ tịch Hội đồng quản trị- Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán APEC (APS): Kinh tế 2013 sẽ tiếp tục tái cơ cấu theo chiều hướng tích cực hơn, nhưng không nhanh. Riêng chứng khoán sẽ không quá tệ như 6 tháng cuối năm 2012. Tôi cho rằng kinh tế Việt Nam đã qua đáy. Tất cả những thông tin như nợ xấu, tồn kho đã phản ánh vào thị trường hết rồi. Nhưng kinh tế tốt hơn nhanh hay chậm lại tùy thuộc vào sự thực hiện quyết liệt của chính phủ.

Với công ty chứng khoán, tôi cho rằng trong năm sau sẽ chỉ còn khoảng 50% công ty còn tồn tại được. Và như vậy, lai đúng với mong muốn của cơ quan quản lý. Những công ty còn tồn tại được sẽ có nhiều cơ hội vì thị phần sẽ chỉ chia cho ít công ty hơn, nhưng nếu đã vướng vào nợ nần trong các năm trước thì năm sau sẽ lao đao vì nguồn tiền mới từ ngân hàng sẽ không còn đổ vào chứng khoán. Bên cạnh đó, những quy định ngặt nghèo về hoạt động của công ty chứng khoán theo thông tư 210/2012/TT-BTC sẽ khiến nhiều công ty chứng khoán nếu không cải thiện được tình hình sẽ buộc phải ra đi.

Thanh Thương

TBKTSG