Kịch bản nào cho xuất khẩu cá tra năm 2013?

Kịch bản nào cho xuất khẩu cá tra năm 2013?

Nhiều chuyên gia trong ngành thủy sản dự báo, sản xuất và xuất khẩu cá tra trong năm nay tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Và nếu không có những giải pháp hữu hiệu ngay từ bây giờ thì chắc chắc “con cá vàng” của thủy sản Việt Nam lại rơi vào vòng luẩn quẩn như năm ngoái.

Chế biến cá tra

Sẽ đạt mục tiêu nào?

Số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, năm 2012, xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 1,74 tỉ đô la, giảm 3,4% so với năm 2011, thấp hơn so với mục tiêu 1,8 tỉ đô la do những khó khăn về nguồn vốn cho sản xuất và xuất khẩu, thị trường tiêu thụ trầm lắng, nguồn cung nguyên liệu không ổn định và giá trung bình xuất khẩu bị đẩy xuống thấp.

Dự báo năm 2013, ngành cá tra Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn trên và cần sự điều chỉnh về cung – cầu để giá cá trên thị trường thế giới được hồi phục trở lại, hướng tới sự phát triển bền vững. Trước tình hình đó, VASEP đã đưa ra 3 kịch bản về xuất khẩu cá tra năm 2013.

Kịch bản thứ nhất là giá trị xuất khẩu cá tra có thể vẫn duy trì mức 1,8 tỉ đô la như năm 2012. Kịch bản này chỉ có thể xảy ra nếu những khó khăn về vốn được khắc phục ít nhiều, thị trường tiêu thụ phục hồi nhẹ, với mức sản lượng đạt khoảng 1 - 1,1 triệu tấn, trong đó lượng xuất khẩu đạt khoảng 550.000 tấn và giá trung bình xuất khẩu tăng lên 3,4 - 3,5 đô la/kg.

Tuy nhiên, đây không phải con số khả thi và cũng không phải là kỳ vọng của ngành bởi nếu sản lượng cá vẫn ở mức cao, khối lượng xuất khẩu tăng một cách tự phát, thiếu kiểm soát và quy hoạch thì giá trung bình khó có thể tăng và hệ lụy là sẽ gây áp lực suy giảm cho ngành cá tra trong năm 2014 và những năm sau.

Kịch bản thứ hai được xem là khả quan và nên duy trì là giá trị xuất khẩu đạt 1,5 tỉ đô la bởi trong quí 1-2013, người nuôi và nhiều doanh nghiệp khó có thể duy trì việc nuôi như những năm trước nên sản lượng sẽ giảm mạnh. Việc sản lượng giảm mạnh có thể đẩy giá cá nguyên liệu trong nước tăng lên, kéo theo giá cá xuất khẩu trên thị trường thế giới cũng tăng lên.

Điều này thúc đẩy các doanh nghiệp và người nuôi tái đầu tư, nên từ quí 2 trở đi, sản lượng cá tra sẽ tăng lên. Và nếu người nuôi và doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng một cách dễ dàng hơn so với năm 2012, lượng cá xuất khẩu và giá cá xuất khẩu sẽ tăng lên trong nửa cuối năm nay, giá trị xuất khẩu cá tra có thể đạt 1,5 tỉ đô la.

Kịch bản thứ ba là kịch bản kém khả quan nhất. Trong tình huống các khó khăn của năm 2012 vẫn tiếp tục kéo dài sang năm 2013. Doanh nghiệp và người nuôi vẫn tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn giá, vốn, thị trường và quy hoạch..., cùng với những khó khăn về chi phí đầu vào liên tục tăng cao thì có thể diện tích và sản lượng cá tra sẽ giảm mạnh 50%. Theo đó, xuất khẩu sẽ chỉ đạt mức thấp 1,2 tỉ đô la.

Củng cố thị trường truyền thống

Năm 2012, cá tra Việt Nam đã có mặt trên 142 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng hơn so với 136 thị trường trong năm 2011. Tuy nhiên, trong 10 thị trường hàng đầu về nhập khẩu cá tra Việt Nam thì có tới 7 thị trường giảm mạnh so với năm trước, trong đó, có mức giảm mạnh nhất là EU (-19,1%), Ảrập Xêút (-10,7%), Mexico (-6,9%).

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP: “Khó khăn của thị trường là điều đáng lo ngại nhưng lợi nhuận giảm còn đáng lo hơn. Năm 2013, các doanh nghiệp cá tra cần tập trung phục hồi và củng cố các thị trường truyền thống, đầu tư có trọng điểm thay vì mở rộng thị trường như trước đây. Đồng thời, phối hợp với việc chế biến và thu mua nguyên liệu một cách hợp lý, từ đó sẽ góp phần điều chỉnh giá cá tra, tạo điều kiện cho xuất khẩu đạt hiệu quả”.

Ông Hòe nhận định: “Sản lượng nuôi cá tra năm 2013 sẽ giảm mạnh xuống mức dưới 1 triệu tấn, thậm chí chỉ đạt khoảng 800.000 tấn, giá trị xuất khẩu cũng sụt giảm còn 1,5 - 1,6 tỉ đô la. Đây là vấn đề phải chấp nhận trong bối cảnh khó khăn chung. Tuy nhiên, cần thấy rằng 2013 là năm để tái cấu trúc, mổ xẻ toàn bộ những hạn chế tồn tại, củng cố lại và tạo đà cho cá tra phát triển ổn định từ năm 2014 trở đi”.

Ông cho rằng, tuy giá trị cá tra năm 2013 được dự đoán là không bằng năm 2012, nhưng đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp tập trung vào việc hoàn thiện về vấn đề điều hòa vốn, tái sản xuất, kinh doanh, tạo lợi nhuận, phù hợp với khả năng tài chính, đáp ứng về mặt chất lượng sản phẩm của các thị trường khó tính.

Sao Mai

TBKTSG