Hợp nhất PVFC – WesternBank nhìn từ góc độ “xin” chính sách

Hợp nhất PVFC – WesternBank nhìn từ góc độ “xin” chính sách

Nếu được chấp thuận thì “gói giải cứu” này rõ ràng là không hề nhỏ trong bối cảnh hiện nay. Liệu có tái diễn tình cảnh các ngân hàng tiếp tục “xin” chính sách khi tái cơ cấu trong thời gian tới?

* WesternBank và PVFC "cầu cứu" PVN và Ngân hàng Nhà nước

* Tại sao công ty tài chính “muốn” ngân hàng thương mại?

Công cuộc tái cơ cấu ngân hàng yếu kém được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khởi động từ những tháng cuối năm 2011. Đến thời điểm hiện tại đã có 3 trường hợp hoàn tất việc tái cơ cấu và đã công bố thông tin, cụ thể là:

(1) Hợp nhất 3 ngân hàng Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và Đệ Nhất (Ficombank). Trong đó, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tham gia toàn diện vào ngân hàng mới sau hợp nhất, với tư cách đại diện vốn nhà nước.

(2) Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (HBB) tự nguyện sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (HNX: SHB).

(3) Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TienPhongBank) tự tái cơ cấu, với sự tham gia của cổ đông chiến lược Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI.

Các ngân hàng còn lại gồm Đại Tín (TrustBank) đang trên đường tự tái cơ cấu, Nam Việt - Navibank (HNX: NVB) và Dầu khí Toàn cầu (GPBank) vẫn chưa chính thức công bố lộ trình; trong khi đó, WesternBank vừa công khai phương án hợp nhất với TCT Tài Chính CP Dầu Khí Việt Nam – PVFC (HOSE: PVF).

“Thương vụ” hợp nhất PVFC - WesternBank có một số điểm khác biệt:

(i) PVFC là công ty tài chính, trong khi đó WesternBank là ngân hàng thương mại. Do đó, sự kết hợp lần này sẽ đánh dấu một giai đoạn mới, phức tạp hơn trong quá trình tái cơ cấu các TCTD. Tham khảo thêm bài viết ở trên về các lý do tại sao công ty tài chính lại “muốn” một ngân hàng thương mại.

(ii) Đề án hợp nhất đề cập khá nhiều các đề xuất – kiến nghị chính sách gửi đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PetroVietnam (PVN) và NHNN.

“Xin” hàng loạt chính sách quan trọng. Giá trị ước tính sơ bộ 6,000 – 9,000 tỷ đồng

Với 78% cổ phần do PVN nắm giữ, việc PVFC “cầu cứu” PVN là có thể hiểu được. Một số biện pháp đề xuất nổi bật đến PVN bao gồm: (i) thoái vốn theo lộ trình để đảm bảo sự ổn định, (ii) PVN gửi thêm cho PVFC số tiền 7,000 tỷ đồng với kỳ hạn tối thiểu 6 tháng để đảm bảo thanh khoản, (iii) khuyến khích các doanh nghiệp trong PVN ưu tiên sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng của PVFC và của ngân hàng mới sau hợp nhất.

Bên cạnh đó, nhiều đề xuất hỗ trợ về mặt tài chính và kiến nghị ưu đãi chính sách cũng được gửi đến NHNN, Bộ Tài chính; cụ thể:

(1) NHNN cho vay tái cấp vốn khoảng 30,000 tỷ đồng để hỗ trợ thanh khoản, với lãi suất thấp hơn lãi suất huy động khoảng 6%, thời hạn vay 3-5 năm.

Với mức ưu đãi lãi suất đến 6% cho số tiền vay tái cấp vốn 30,000 tỷ, ngân hàng hợp nhất PVFC – WesternBank dự kiến sẽ được hưởng lợi 5,400 – 9,000 tỷ đồng trong thời hạn vay vốn 3-5 năm.

Ngoài ra, thời hạn vay vốn kéo dài tối đa đến 5 năm cũng giúp ngân hàng hợp nhất “dễ thở” hơn trong cân đối dòng tiền.

(2) Cho phép ngân hàng hợp nhất được duy trì dự trữ bắt buộc 50% bằng tiền mặt, 50% bằng các giấy tờ có giá có tính thanh khoản cao như trái phiếu chính phủ, tín phiếu Kho bạc, tín phiếu Bộ Tài chính. Đồng thời cho phép được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, chỉ bằng 1/5 so với quy định tại từng thời kỳ; kéo dài trong vòng 5 năm kể từ thời điểm hợp nhất.

NHNN duy trì dự trữ bắt buộc với tỷ lệ % nhất định dựa trên số tiền gửi tùy thuộc vào loại kỳ hạn, nhằm đảm bảo các ngân hàng thương mại không cho vay “quá trớn” làm ảnh hưởng đến an toàn hoạt động.

Đề xuất này có thể giúp ngân hàng hợp nhất PVFC – WesternBank giải phóng được lượng tiền “chết”, hạ thấp giá vốn và tăng lợi thế cạnh tranh so với đối thủ. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc chỉ bằng 1/5 các ngân hàng khác và có 50% bằng giấy tờ có giá là một ưu đãi rất đáng kể.

(3) Kiến nghị được miễn thuế TNDN trong 3 năm sau khi hợp nhất và giảm 50% trong 2 năm tiếp theo để giúp ngân hàng hợp nhất tích lũy vốn sau khi tái cơ cấu.

Theo ước tính trong BCTC, chi phí thuế TNDN năm 2011 của PVFC là 73.6 tỷ đồng và của WesternBank là 39.8 tỷ đồng. Như vậy, chi phí thuế tổng cộng của hai đơn vị này trong năm 2011 vào khoảng 113.4 tỷ đồng.

Giả định mức thuế này tăng không đáng kể trong năm 2012 và các năm sau đó, thì đề xuất này được thông quá sẽ giúp ngân hàng hợp nhất giữ lại một số tiền đáng kể tương đương hơn 450 tỷ đồng.

(4) Đề nghị không tính vào tỷ lệ nợ xấu các khoản dư nợ đối với Vinashin và Vinalines.

Theo BCTC soát xét 6 tháng đầu năm 2012, dư nợ tín dụng đến 30/6/2012 của PVF đối với các công ty thuộc Vinashin khoảng 1,069 tỷ đồng và Vinalines là 1,686 tỷ đồng. Việc không trích lập dự phòng nợ xấu đối với 2,755 tỷ đồng tín dụng (trong trường hợp xấu nhất là phải trích lập 100% sau khi trừ giá trị tài sản đảm bảo) sẽ giúp ngân hàng hợp nhất “cải thiện” đáng kể lợi nhuận kế toán.

NHNN đang yêu cầu chỉnh sửa đề án hợp nhất do PVFC và WesternBank đệ trình. Nếu các nội dung ở trên được chấp thuận, thì chỉ với riêng hai khoản đề xuất có thể lượng hóa cụ thể (1) và (3), ngân hàng hợp nhất PVFC – WesternBank sẽ được “hưởng lợi” khoảng 6,000 – 9,000 tỷ đồng trong 3 – 5 năm tới.

“Gói giải cứu” này rõ ràng là không hề nhỏ trong bối cảnh hiện nay. Liệu có tái diễn tình cảnh các ngân hàng tiếp tục “xin”chính sách khi tái cơ cấu trong thời gian tới?

Hoàng Vũ (Vietstock)

FFN