Số doanh nghiệp giải thể năm 2012 cao kỷ lục

Số doanh nghiệp giải thể năm 2012 cao kỷ lục

Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động năm 2012 cao kỷ lục với gần 54.000 doanh nghiệp, trong đó số doanh nghiệp ngừng hoạt động 2 năm 2011-2012 khoảng hơn 107.000, bằng con số ngừng hoạt động của cả 12 năm trước, số còn hoạt động cũng giảm mạnh công suất.

Thông tin trên được bà Phạm Chi Lan – Chuyên gia kinh tế cao cấp cho biết tại hội thảo – tọa đàm doanh nghiệp điện tử: chìa khóa thành công trong thời kỳ khủng hoảng do VCCI tổ chức sáng nay (22/3) tại Hà Nội.

Theo bà Lan, hiện doanh nghiệp còn gặp nhiều rủi ro. Cụ thể, lạm phát cơ bản vẫn cao, việc nới lỏng các chính sách tài khóa hoặc tiền tệ có thể làm lạm phát tăng trở lại. Mức dự trữ ngoại tệ có cải thiện nhưng vẫn thấp so với quốc tế. Chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng xấu đi; nợ công tăng nếu tính cả nợ của các địa phương, các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước; Triển khai chậm trễ và chưa hiệu quả quá trình tái cơ cấu, kể cả giải quyết nợ xấu trong ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước (là những cản trở đối với tiềm năng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam); Tăng trưởng công nghiệp sụt giảm, tồn kho cao.

Nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong năm 2012 đã được ban hành như giảm lãi suất vay, tăng khả năng vay vốn cho doanh nghiệp, giãn, giảm, miễn thuế…Tuy nhiên doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn (tín dụng tăng 6%), nợ xấu vẫn cao, tồn kho lớn, giảm miễn thuế không đáng kể…

Bà Lan cho biết thêm, năm 2013 Chính phủ kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, cố gắng kiềm chế lạm phát để có thể giảm tiếp lãi suất ngân hàng, giảm thuế thu nhập cá nhân, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp và VAT, xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và VAT… Đây sẽ là cơ hội cũng như thách thức đối với doanh nghiệp. Cụ thể, bản thân các doanh nghiệp phải tự tái cơ cấu, điều chỉnh chiến lược cạnh tranh, tự vượt khó để tồn tại và thích ứng với những đòi hỏi mới. nhưng nguồn lực các mặt lại có hạn, tương lai không chắc chắn, niềm tin giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với ngân hàng, doanh nghiệp với nhà nước thấp.

Tuy nhiên theo bà Lan, việc điều chỉnh chính sách để ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu kinh tế có thể giúp nền kinh tế kiềm chế lạm phát, ổn định dần. Tái cơ cấu tạo sự phân bổ nguồn lực và chính sách khuyến khích công bằng, hiệu quả hơn. Hội nhập quốc tế sâu hơn và các FTA mới, cải thiện môi trường kinh doanh, cơ hội thương mại và đầu tư về nhiều mặt. Ngoài ra, khi các doanh nghiệp đã thấy rõ những yêu cầu và thách thức cho phát triển dài hạn của mình, không thể không thay đổi mạnh…

Hồ Hường

Diễn đàn DN