Lợi nhuận bằng không

Lợi nhuận bằng không

Đã là kinh doanh thì phải có lãi. Chưa nói đến lỗ, khi mà lợi nhuận bằng không là dấu hiệu cực kì đáng lo ngại đối với hoạt động kinh doanh. Thực ra, khi lợi nhuận bằng không, nếu tính đúng và tính đủ các loại chi phí phát sinh trong thực tế, DN cũng như người lao động phải hứng chịu nhiều thiệt thòi. Đó là hiện trạng của ngành than. Từ đầu năm 2013 đến nay, xuất khẩu than của Việt Nam rơi vào tình cảnh lợi nhuận bằng không.

Từ đầu năm đến nay, bình quân mỗi tháng xuất khẩu than đạt xấp xỉ 1,3 triệu tấn, tăng hơn 16% so cùng kì năm trước. Nếu tính về số lượng, xuất khẩu than của từng tháng cũng như từ đầu 2013 đến nay đều đạt và vượt chỉ tiêu.

Nhưng liên tục những tháng vừa qua, giá than xuất khẩu giảm hơn 30% so cùng kì năm trước. Với mức giá xuất khẩu như hiện thời (bình quân ở mức trên 65 USD/tấn) ngành than buộc phải "đối đầu” với thực tế ngoài ý muốn: giá bán bằng giá thành sản xuất. Đầu ra ngang bằng tổng chi phí đầu vào, vì lẽ đó, lợi nhuận từ xuất khẩu than coi như bằng không. Kinh doanh không có lợi nhuận, đây là "con số biết nói” đáng sợ nhất của hoạt động kinh doanh nói chung chứ không riêng gì ngành than.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất đối với than xuất khẩu của Việt Nam. Hiện thời cũng như trước đây, thương nhân Trung Quốc nhập khẩu mọi loại than xuất xứ từ Việt Nam, kể cả loại than chất lượng thấp. Tại thời điểm hiện nay, sản phẩm than chất lượng thấp xuất khẩu cho Trung Quốc với mức giá chỉ có hơn 60 USD/tấn, so cùng kì năm trước giảm hơn 20 USD. Tiếp theo Trung Quốc, những thị trường thuộc tốp đứng đầu tiêu thụ than Việt Nam còn có Nhật Bản, Hàn Quốc... Từ đầu 2013 đến nay, xuất khẩu than cho các nước nói trên cùng có chung tình trạng: tăng khối lượng, giảm giá bán

Tồn kho không những không giảm mà còn tăng, đó là "chuyện thường ngày” của nền kinh tế nói chung cũng như ngành than nói riêng. Tính đến đầu quý 2/2013, bình quân mỗi tháng lượng than tồn kho lên đến xấp xỉ 1,5 triệu tấn. Xuất khẩu là một trong những đầu ra quan trọng của ngành than. Với mức giá như hiện thời, xuất khẩu than không có lãi, thậm chí càng xuất khẩu càng thiệt hại. Vì thế, nên chăng lựa chọn giải pháp tạm thời "đóng cửa” nhằm tránh thua thiệt cho DN và bảo vệ nguồn tài nguyên có giá trị cho quốc gia?

Bá Tân

đại đoàn kết