'Thêm nhiều doanh nghiệp chết nếu phải tăng lương'

'Thêm nhiều doanh nghiệp chết nếu phải tăng lương'

Chia sẻ mục tiêu đảm bảo nhu cầu sống cho người lao động nhưng các doanh nghiệp cho biết họ đang gặp khó với chính sách lương mới. Một số cho biết sẽ giảm biên chế để đảm bảo nguồn trả lương.

Bắt đầu từ ngày 1/5, Bộ luật Lao động sửa đổi có hiệu lực. Theo đó chính sách lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Hiện nay lương tối thiểu mới đáp ứng khoảng 60% mức sống của lao động. Như vậy, doanh nghiệp phải chi nhiều hơn cho quỹ lương.

Ông Sự cho biết, nếu tiếp tục điều chỉnh lương tối thiểu, doanh nghiệp sẽ chết

Theo bà Nguyễn Minh Chi - Chuyên gia tư vấn của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong một cuộc khảo sát gần đây của đơn vị này, nhiều doanh nghiệp cho biết nếu tăng lương đúng lộ trình, buộc họ phải cắt giảm lao động. Do đó, đơn vị này khuyến nghị không nên tăng đột biến, mức tăng tối đa chỉ nên là 15%.

Cho rằng điều chỉnh lương là chính sách cần thiết để đảm bảo cuộc sống người lao động, song ông Nguyễn Hữu Sự - Hiệp hội Công thương Hà Nội đề xuất nên chờ đến khi nền kinh tế phục hồi hơn mới điều chỉnh, chứ không phải giữa lúc khó khăn như hiện nay.

"Giờ các doanh nghiệp chủ yếu hỏi nhau còn sống hay đã chết. Chưa tăng lương đã ngắc ngoải rồi, mà điều chỉnh nữa chắc nhiều đơn vị sẽ chết hẳn", ông Sự nhận định.

Bà Vũ Thị Mai Thu - Phó chủ tịch Hội nữ doanh nhân Hà Nội ví von doanh nghiệp Việt đang phải leo dốc mà lại nặng gánh. "Bây giờ nếu chất thêm bất kỳ nghĩa vụ nào, đặc biệt là liên quan đến tài chính, đều có thể khiến doanh nghiệp đi đến phá sản nhanh hơn", lãnh đạo Hội cho hay.

Theo bà Thu, hiện nhiều doanh nghiệp cho biết chưa có kế hoạch áp dụng những quy định của Luật Lao động mới do còn quá nhiều khó khăn về tài chính. Do đó, bà Thu cho rằng, có thể tiếp tục giãn lộ trình tăng lương, chờ sức khỏe doanh nghiệp phục hồi.

Đại diện Hiệp hội Da giày Việt Nam cho biết, hiện tiền lương chiếm 10% trong giá thành sản phẩm. Khi lương tối thiểu tăng thì tất cả các dịch vụ để sản xuất như điện nước, thuê nhà xưởng... đều tăng. Do đó, sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp.

"Nếu doanh nghiệp không trụ được sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động", vị này cho hay.

Trước những ý kiến của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết, việc xác định lương tối thiểu thường được các cơ quan, bộ ngành xây dựng dựa trên lợi ích của cả phía người lao động và doanh nghiệp, cũng như cung cầu trên thị trường.

Theo Thứ trưởng, tới đây việc xác định sẽ thông qua Hội đồng Tiền lương quốc gia (dự kiến hoạt động từ tháng 7). Cơ quan này sẽ tính toán lộ trình tăng lương để đáp ứng yêu cầu của Luật cũng như sự sống còn của doanh nghiệp, sau đó tư vấn cho Chính phủ. Tuy nhiên, theo ông Huân, dự kiến trong năm tới lương tối thiểu sẽ được điều chỉnh.

Trước đó, trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" của Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội, bà Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp gặp khó, nếu điều chỉnh ngay mức lương tối thiểu đảm bảo nhu cầu sống của lao động thì nhiều đơn vị có khả năng phá sản. Khi đó người lao động sẽ mất việc làm, không có thu nhập. Vì vậy, trong điều kiện này cần phải cân nhắc giãn lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu.

Hiện Bộ đã xây dựng phương án lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng để đạt nhu cầu sống tối thiểu của người lao động vào năm 2016 hoặc năm 2017.

Ngọc Minh

vnexpress