TS. Nguyễn Sơn: 4 vấn đề chính yếu trong xây dựng đề án chứng khoán phái sinh

TS. Nguyễn Sơn: 4 vấn đề chính yếu trong xây dựng đề án chứng khoán phái sinh

Việc xây dựng đề án cho thị trường phái sinh đã rất gấp, theo lộ trình thì cuối năm nay phải trình Chính phủ đề án thị trường phái sinh, nghị định của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh.

Đó là chia sẻ của TS. Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường, UBCKNN tại hội thảo “Phát triển thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam” do Viện chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) phối hợp với UBCKNN và Trường Đại học Tài chính Marketing tổ chức sáng 28/06.

Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường, UBCKNN (Nguồn: Internet)

Theo ông Nguyễn Sơn, sản phẩm phái sinh là một trong những công cụ phòng vệ rủi ro cũng như gia tăng lợi nhuận cho các nhà đầu tư khi tham gia vào các thị trường tài chính. Trên thế giới, việc giao dịch các sản phẩm phái sinh của các công cụ đầu tư như cổ phiếu, trái phiếu, tiền tệ cũng như hàng hóa đã được hình thành và phát triển. Tuy nhiên, đây cũng là một thị trường khá nhạy cảm và phức tạp, vì bản thân các sản phẩm phái sinh là sản phẩm có tính đòn bẩy cao và tính hai mặt rõ rệt nên thường thì các quốc gia sau một thời kỳ phát triển các công cụ cơ sở nhất định mới hình thành và phát triển thị trường phái sinh.

Việt Nam đã có hơn 13 năm vận hành thị trường chứng khoán nên đây là thời điểm thích hợp để đưa vào tổ chức vận hành thị trường chứng khoán phái sinh. Song điều cần thiết là phải xây dựng một cơ chế vận hành và khung pháp lý thật tốt để hạn chế mặt trái của chứng khoán phái sinh. Điều này càng trở nên quan trọng từ sau cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra ở năm 2008, các quốc gia trong G20 yêu cầu chặt chẽ cần chuẩn hóa các sản phẩm phái sinh trên thị trường OTC để giao dịch trên thị trường tập trung.

Trở lại với hiện trạng nước ta, ông Sơn cho biết, trên thị trường đã mạnh nha hình thành các công cụ phái sinh này nhưng chưa có khung pháp lý rõ ràng, nếu để nó tự phát thì hậu quả rất lớn. Vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và các Bộ ngành liên quan triển khai xây dựng từ đề án, nghị định của Chính phủ và chuẩn hóa các công cụ này ngay từ đầu.

Việc xây dựng thị trường chứng khoán phái sinh phải giải quyết được 4 vấn đề chính yếu.

Thứ nhất là mô hình tổ chức thị trường. Với bối cảnh ở nước ta, nên cho nó tự phát trên thị trường OTC rồi sau đó mới đưa vào quản trị chuẩn hóa tập trung, hoặc là chỉ thiết kế mô hình tập trung hay thiết kế song song cả hai?

Thứ hai, các hàng hóa giao dịch trên thị trường cũng là vấn đề phức tạp. Chứng khoán phái sinh là các hợp đồng tương lai, quyền chọn dựa trên công cụ gốc. Trong đó, công cụ gốc có thể là trái phiếu, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ hay vàng, tiền tệ, hàng hóa … Mỗi sản phẩm lại có rủi ro khác nhau cho nên việc lựa chọn ra sản phẩm nào để đưa ra được một lộ trình giao dịch hợp lý cũng rất nan giải.

Hơn nữa, hiện nay có sự phân định rõ và tách biệt trong quản lý các công cụ gốc này. Cụ thể, các công cụ về chứng khoán do Bộ Tài chính và UBCKNN quản lý; công cụ như tiền tệ, lãi suất, hối đoái, vàng do Ngân hàng nhà nước quản lý; các công cụ hàng hóa thì do Bộ Công thương quản lý. Cho nên, về dài hạn cần có sự thống nhất trong cơ chế quản lý này.

Thứ ba, cơ chế giao dịch gồm các vị thế mở, vị thế đóng, biên độ, cơ chế ký quỹ, các quỹ phòng vệ rủi ro, cơ chế thanh toán bằng tiền mặt hay vật chất giữa các sản phẩm khác nhau… hay vấn đề thành viên tham gia thị trường như thế nào cũng rất đáng lưu tâm, bởi đây là thị trường cao cấp, nó không chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp mà còn phải là nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh.

Ông Sơn nhấn mạnh thêm thị trường phái sinh không dành cho nhà đầu tư ít kinh nghiệm, ít hiểu biết về thị trường vốn.

Vấn đề cuối cùng là quản trị giám sát cũng như công nghệ cho thị trường chứng khoán phái sinh, các nhà đầu tư khi tham gia thị trường này chủ yếu đầu tư dựa trên lý thuyết về toán ứng dụng cho nên việc thiết kế một cơ chế giám sát hiện đại là rất cần thiết.

Ngoài ra, ông Sơn cho biết thêm, việc xây dựng đề án cho thị trường phái sinh đã rất gấp, theo lộ trình thì cuối năm nay phải trình Chính phủ đề án thị trường phái sinh, nghị định của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh. Ông Sơn kỳ vọng các nhà khoa học, nhà quản trị, chuyên gia tham gia đóng góp ý kiến để hoàn thiện đề án trên.

Mỹ Hà ghi

infonet