Chỉ báo khối lượng giao dịch đang nói lên điều gì?

Chỉ báo khối lượng giao dịch đang nói lên điều gì?

Thông thường, các nhà phân tích kỹ thuật sẽ dùng chỉ báo OBV và MFI để phân tích mối tương quan giữa sự dịch chuyển của giá và khối lượng. Vậy các chỉ báo này đang nói lên xu hướng gì của VN-Index?

Sau khi VN-Index chạm mốc 527.97 điểm vào 07/06, tăng mạnh nhất kể từ thời điểm đầu năm đến nay, thì chỉ số này đã bất ngờ quay đầu giảm điểm mạnh.

Tính từ ngày 07/06 đến nay, VN-Index đã mất tổng cộng gần 32 điểm tương ứng với mức giảm 6%. Thanh khoản cũng sụt giảm đáng kể khi khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình trong giai đoạn này trên HOSE chỉ đạt 36.4 triệu đơn vị/phiên. Trong khi đó, khối lượng giao dịch trung bình từ đầu năm đến nay đạt đến 57.1 triệu đơn vị/phiên.

Điểm tích cực là sau khi chạm ngưỡng hỗ trợ Fibonacci Retracement 38.2% tương đương mức 473.53 điểm (ngày 26/06), thị trường đã bật tăng trở lại. Tuy nhiên, thanh khoản vẫn chưa được cải thiện đáng kể khi khối lượng khớp lệnh tiếp tục suy giảm mạnh.

Do đó, câu hỏi được đặt ra liệu xu hướng tăng trưởng của thị trường có thật sự bền vững hay chỉ là bulltrap?

Trong quá khứ, chúng ta thấy rằng hầu hết các phiên tăng điểm mạnh trở lại luôn đi kèm với sự gia tăng thanh khoản sau những phiên sụt giảm mạnh. Khối lượng khớp lệnh tăng thường diễn ra trước khi giá tăng.

Thông thường, các nhà phân tích kỹ thuật sẽ dùng chỉ báo OBV và chỉ báo MFI để phân tích mối tương quan giữa sự dịch chuyển của giá và khối lượng.

Chỉ báo Market Facilitation Index (MFI) dùng để xác định sự hiệu quả của dao động giá thông qua định lượng dao động giá trên một đơn vị khối lượng giao dịch.

Khi chỉ báo MFI vượt trên ngưỡng 80 thì đây là dấu hiệu của việc quá mua (overbought) và chúng ta nên bán vì thị trường dự báo sẽ giảm điểm sau đó. Còn nếu ngược lại, chỉ báo này nằm dưới 20 là dấu hiệu của việc quá bán (oversold), theo đó chúng ta nên mua vào vì nhiều khả năng sau đó thị trường sẽ bật tăng trở lại.

Liên hệ với tình hình hiện nay, chỉ báo MFI của VN-Index đã giảm xuống mức 20 và cho tín hiệu mua vào, vì vậy nhiều khả năng thị trường sẽ tăng điểm trở lại.

Chỉ báo On Balance Volume (OBV) là chỉ báo cường độ dao động thể hiện mối quan hệ giữa khối lượng giao dịch và sự thay đổi của giá. OBV trong xu hướng tăng nếu đỉnh sau cao hơn đỉnh trước và đáy sau cao hơn đáy trước, OBV trong xu hướng giảm thì ngược lại.

Khi OBV chuyển sang xu hướng tăng hoặc xu hướng giảm thì sẽ xuất hiện sự bứt phá. Vì OBV thường bứt phá trước giá nên nhà đầu tư sẽ mua vào khi OBV bứt phá đi lên.

Trong giai đoạn hiện nay, OBV đã bắt đầu đi lên cùng chiều với giá nên đà tăng được củng cố. Nếu tình trạng này vẫn duy trì trong giai đoạn tới thì khả năng bứt phá trên HOSE sẽ tăng lên.

Hữu Trọng

infonet