Chưa thể nới room trong tháng 8

Chưa thể nới room trong tháng 8

Khả năng TTCK đón nhận thông tin nới room trong tháng 8 là gần như chưa thể, dù đây là mong đợi chung của nhiều chủ thể trên thị trường.

* Nới room cho khối ngoại, chứng khoán sẽ mạnh hơn?

* Đầu cơ cổ phiếu, đón đầu nới room ngoại?

* Băn khoăn khi mở room cho khối ngoại

* Chứng khoán Bản Việt: Có thể dùng chứng chỉ lưu ký thay vì nới room khối ngoại

* Nới room khối ngoại: UBCK vẫn đang xây dựng phương án

Bản tin của một số CTCK bắt đầu bình luận về việc nếu Chính phủ cho phép nới tỷ lệ đầu tư tối đa (room) cho nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) thì TTCK sẽ thay đổi ra sao. Theo thông tin của ĐTCK, đề án nới room đã đạt được sự đồng thuận của một số bộ, ngành và đang chờ Bộ Tài chính trình Chính phủ.

Nếu đề án nới room được xem xét ở cấp cao nhất, theo nhận định của nhiều chuyên gia, sẽ cần một khoảng thời gian tham vấn nhiều ý kiến và cân nhắc ở nhiều khía cạnh tổng thể, vì đề án mà UBCK xây dựng có sự thay đổi lớn trong tư duy về room. Do vậy, khả năng TTCK đón nhận thông tin nới room trong tháng 8 là gần như chưa thể, dù đây là mong đợi chung của nhiều chủ thể trên thị trường.

Bên cạnh đề án nới room, một ý tưởng mới cũng liên quan đến việc làm thế nào để khích lệ dòng vốn ngoại chảy nhanh hơn, mạnh hơn vào TTCK Việt Nam, đã được Sở GDCK TP. HCM đề xuất lên UBCK, Bộ Tài chính.

Trao đổi với ĐTCK, ông Lê Hải Trà, Ủy viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc thường trực HOSE cho biết, Đề án về chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (None voting depository receipt - NVDR) của Sở được xây dựng theo mô hình đang áp dụng rất thành công tại Thái Lan. Theo đề án này, không nhất thiết Chính phủ phải ban hành một quyết định nới room trên mức 49%, DN cũng không cần phải phát hành ra một loại hàng hóa khác là cổ phiếu không có quyền biểu quyết, mà thay vào đó chỉ cần cho phép nhà ĐTNN được phép sở hữu các NVDR do một định chế đặc biệt trong nước phát hành. Mỗi NVDR do nhà ĐTNN nắm giữ được hưởng các quyền lợi kinh tế như 1 cổ phiếu phổ thông, nhưng không có quyền biểu quyết.

Bản chất của NVDR là một sản phẩm cấu trúc, nên việc phát hành không ảnh hưởng gì đến hiện trạng kinh doanh của DN, nhưng có thể giúp tăng thanh khoản và đáp ứng được nhu cầu giao dịch của nhà ĐTNN đối với các cổ phiếu hết room trên thị trường. NVDR là phương tiện để các nhà ĐTNN có thể đầu tư vào các DN tiềm năng của Việt Nam để hưởng lợi từ cổ tức, hay từ việc cổ phiếu tăng giá nhưng không quan tâm đến quyền biểu quyết tại DN, từ đó mở ra cơ hội lớn cho DN Việt Nam thu hút vốn ĐTNN, mà vẫn duy trì được quyền kiểm soát tại DN.

Theo CTCK Bản Việt, phát hành NVDR như tại Thái Lan có nhiều ưu điểm. Trước hết, đó là một công cụ đơn giản, vì mỗi công ty sẽ có một mã duy nhất và một mức giá duy nhất đối với cổ phiếu có quyền biểu quyết lẫn NVDR. Thứ hai, sản phẩm này có thể được chuyển đổi ngược thành cổ phiếu thông thường, nếu cần thiết và trong room cho phép dành cho khối ngoại. Thứ ba, NVDR sẽ được thực hiện nhanh chóng hơn, vì được phát hành theo nhu cầu người mua, trong khi việc phát hành thêm cổ phiếu chỉ có thể thực hiện khi DN có nguyện vọng và được cổ đông chấp thuận.

Trong nỗ lực tăng sức hấp dẫn cho TTCK Việt Nam, đề án nới room của UBCK hay đề án phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết mà HOSE đề xuất là hướng đi mới, nhưng đã được khẳng định bằng thực tiễn thành công của một thị trường trong khu vực ASEAN. Hai đề án này rất cần được các cơ quan chức năng xem xét, sớm quyết định phương án hợp lý nhất cho Việt Nam.

đầu tư chứng khoán