Khi hệ số DER “khủng” không phải là… hàng hiếm

Khi hệ số DER “khủng” không phải là… hàng hiếm

Dường như bức tranh hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết có phần bi thảm hơn khi xuất hiện những con số xấu "kỷ lục" về nợ, việc tổng nợ gấp mấy chục lần vốn chủ sở hữu (DER) không còn là… hàng hiếm.

Thông thường, nếu hệ số DER nhỏ hơn 1 nghĩa là doanh nghiệp được tài trợ chủ yếu bởi nguồn vốn chủ sở hữu và chịu rủi ro thấp. Ngược lại, tỷ lệ này lớn hơn 1 cho thấy doanh nghiệp đang vay mượn nhiều hơn nguồn vốn tự có. Tỷ lệ này càng lớn càng gia tăng áp lực trả nợ cho doanh nghiệp, hay thêm cả lãi vay phát sinh khi doanh nghiệp sử dụng vốn vay. Tuy nhiên, một doanh nghiệp nếu biết sử dụng vay mượn hợp lý sẽ mang lại hiệu quả cao hơn, nợ vay chính là nguồn tài trợ được xem là có chi phí sử dụng vốn thấp.

Cũng cần lưu ý, nếu lợi nhuận công ty thu được không bù đắp được các chi phí vay thì công ty rất dễ rơi bị phá sản, đặc biệt khi lãi mẹ đẻ lãi con, nợ sẽ chồng thêm nợ. Và tất nhiên, nếu công ty phá sản thì các cổ đông khó thu lại được gì bởi khi thanh lý tài sản thì cổ đông luôn là đối tượng được xếp ưu tiên sau cùng.

Theo thống kê của Vietstock, tính đến 30/06/2013, toàn thị trường có 515,808 tỷ đồng nợ phải trả, trong đó nợ vay chiếm 277,627 tỷ đồng, tương đương 54%. Với tổng mức vốn chủ sở hữu là 368,333 tỷ đồng thì DER toàn thị trường ở mức 1.4 lần, vẫn thuộc ngưỡng đáng phải chú ý.

Nợ phải trả, nợ vay và vốn chủ sở hữu toàn thị trường

Với 609 doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính đầy đủ thì có tới 347doanh nghiệp có hệ số DER lớn hơn 1, nghĩa là chiếm đến 57%. Đây không phải là tỷ lệ nhỏ. Trong đó có 8 doanh nghiệp có DER từ mức 2 con số trở lên. Đặc biệt, có 2 doanh nghiệp đã bị âm vốn chủ sở hữu là PXM (-90 tỷ đồng) và NVC (-23.5 tỷ đồng) với nợ phải trả cũng ở hàng trăm tỷ đồng, lần lượt ở mức 685 tỷ đồng và 907 tỷ đồng.

Đứng đầu danh sách là Ô tô Giải phóng (HNX: GGG) với hệ số DER “khủng” lên tới 168.41 lần, riêng nợ vay/vốn chủ sở hữu cũng cao ngất với 130.62 lần. Tại ngày 30/06/2013, GGG lỗ lũy kế 96 tỷ đồng, đã xấp xỉ với vốn chủ sở hữu và nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn 82.9 tỷ đồng. Hiện GGG chưa công bố báo cáo tài chính soát xét 6 tháng, nhưng tại báo cáo kiểm toán 2012, đơn vị kiểm toán đã nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty khi hai chỉ tiêu đã ở ngưỡng cảnh báo. Hiện GGG cũng chưa thể tổ chức được ĐHĐCĐ thường niên 2013 sau 2 lần bất thành trong khi thời gian cho năm 2013 không còn nhiều.

Top 10 DN có hệ số DER cao nhất tại 30/06/2013

 

Viglacera Bá Hiến (HNX: BHV) là “á quân” về hệ số DER với mức 34.69 lần và nợ vay/vốn chủ sở hữu cũng không kém cạnh với 19.02 lần. Hiện công ty đang có lỗ lũy kế hơn 18 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại báo cáo soát xét, đơn vị kiểm toán cũng có ý kiến ngoại trừ về các khoản công nợ phải thu quá hạn thanh toán chưa được trích lập dự phòng là 1.5 tỷ đồng và điều chỉnh phân bổ lợi thế thương mại gần 1 tỷ đồng.

Dù lợi nhuận hàng quý chỉ lẹt đẹt không thể chạm tới mốc 2 con số nhưng Y Dược phẩm Vimedimex (HOSE: VMD) lại có số nợ phải trả lên tới 4,478 tỷ đồng khiến hệ số DER cũng nằm trong top cao với 25.15 lần, nhưng nợ vay chỉ 4.31 lần. 6 tháng qua công ty chỉ lãi 5 tỷ đồng, mới đạt mức 21% kế hoạch.

Với mức lỗ 2 năm liên tiếp 2011 và 2012 lần lượt là 2.1 tỷ và 144.8 tỷ đồng, năm 2013 Xây lắp Dầu khí Nghệ An (HOSE: PVA) cũng khó mà thoát được thảm cảnh này khi 6 tháng lỗ tới 10 tỷ đồng. PVA cũng là đơn vị có nợ phải trả ở mức hàng ngàn tỷ đồng (1,460 tỷ đồng) với DER là 15.53 lần và nợ vay/vốn chủ sở hữu ở mức 4.54 lần. Hiện mã PVA đang bị cảnh báo từ ngày 17/04/2013 và không được giao dịch ký quỹ.

Một số chỉ tiêu của 10 DN có DER cao tính đến 30/06/2013
Nguồn: VietstockFinance

Ngoài ra, danh sách DER từ hai con số trở lên còn có L14 (11.6), FDG (11.36), PPS (10.59) và B82 (10.57). Tuy nhiên, trong số này, chỉ riêng PPS dù nợ phải trả tới 1,806 tỷ đồng nhưng công ty không có vay nợ mà chủ yếu là công nợ phải trả với Siemens Aktiengesellschaft (1,708 tỷ đồng). Công nợ này trên cơ sở các tờ khai hải quan nhập vật tư thiết bị phục vụ cho việc duy tu, bảo dưỡng nhà máy điện Cà Mau 1 và nhà máy điện Cà Mau 2 theo hợp đồng năm 2008 với nhà thầu Siemens. Theo đó, số dư công nợ phải trả và khoản mục hàng tồn kho tương ứng sẽ được quyết toán và điều chỉnh khi công ty kết thúc hợp đồng với nhà cung cấp.

Có thể thấy, với gần 57% doanh nghiệp mỏng vốn, hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn vay thì rủi ro trong việc mất an toàn tài chính không chỉ của chính doanh nghiệp đó mà còn ảnh hưởng đến cả chủ nợ. Và khi tỷ lệ này không ngừng giảm thì cũng đồng nghĩa với việc nợ xấu tại các ngân hàng cũng ngày càng tăng lên.

Thanh Nụ

infonet

--------------------------

Xem thêm:

* Lợi nhuận ngành khoáng sản chìm theo “ông lớn”

* Nhóm “đại gia” thủy sản Hùng Vương đang "ở đâu"?

* Doanh nghiệp nào đang bi đát nhất sàn?

* Toàn cảnh lợi nhuận quý 2/2013 qua những con số

* Lợi nhuận ngành điện tăng trưởng mạnh

* Điểm mặt doanh nghiệp có của để dành vượt vốn

* Xuất hiện những khoản phải thu đột biến