Tìm đường "tháo gông" vốn điều lệ

Tìm đường "tháo gông" vốn điều lệ

Vốn điều lệ và mệnh giá cổ phần là “cặp bài trùng” khó có thể tách rời.

Vì thế, để DN phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá, Luật Doanh nghiệp cần sửa đổi theo hướng cho phép DN được giảm vốn điều lệ.

Phát hành dưới mệnh giá vẫn vướng

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nếu ĐHCĐ thông qua phương án phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá với mục đích, phương án sử dụng vốn rõ ràng thì đây là nhu cầu chính đáng, cần được ủng hộ. Khoản chênh lệch âm giữa phần vốn tăng thêm và thực thu sau đợt phát hành, tức là thặng dư vốn âm sẽ được xử lý bằng các bút toán trong hạch toán kế toán.

Tuy nhiên, ông Phan Đức Hiếu, Phó trưởng Ban Môi trường kinh doanh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, không thể ghi nhận khoản chênh lệch này là lỗ, bởi không thể giải thích DN vì sao mà lỗ.

Hơn nữa, sau khi phát hành tăng vốn, DN sẽ phải làm thủ tục để thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, ghi nhận số vốn điều lệ mới. Vậy vốn điều lệ được ghi nhận là vốn thực góp của các cổ đông hay số vốn “ảo” của đợt phát hành? Đã từng có ý kiến đề nghị cơ quan đăng ký kinh doanh ghi nhận vốn điều lệ theo giá trị phát hành và ghi chú số vốn thực góp của cổ đông.

Ông Hiếu cho biết, theo quy định của Luật Doanh nghiệp, vốn điều lệ là vốn thực góp của các cổ đông, do đó DN có thể phát hành dưới mệnh giá, nhưng cơ quan quản lý sẽ ghi nhận vốn điều lệ là số vốn thực góp. Nhưng như vậy phát sinh nhiều rắc rối liên quan tới các quy định về mệnh giá và quyền lợi của cổ đông.

Hiện chỉ có các DN còn thặng dư vốn từ các đợt phát hành trước đó mới được xem xét cho phép phát hành dưới mệnh giá, khi đó khoản thiếu hụt sẽ được cấn trừ vào thặng dư vốn và như vậy đảm bảo DN vẫn có đủ số vốn điều lệ đúng với giá trị phát hành.

Khó thể bỏ quy định về vốn điều lệ

Pháp luật về DN quy định, vốn điều lệ là số vốn góp của cổ đông và mệnh giá cổ phần có thể nói là “sản phẩm” đi kèm của vốn điều lệ.

Trong một cuộc tọa đàm gần đây của Câu lạc bộ Pháp chế DN (Bộ Tư pháp), có ý kiến từ phía DN cho rằng, quy định về vốn điều lệ là không cần thiết và kiến nghị nên bỏ vốn điều lệ. Luật công ty của nhiều nước đều không có quy định về vốn điều lệ. Khi cần tìm hiểu về đối tác, DN có thể nắm được thông tin tài chính thông qua báo cáo tài chính có kiểm toán. Do không có vốn điều lệ nên mệnh giá cổ phần cũng không được đặt ra. Đối với mỗi đợt phát hành, thông tin quan trọng là số lượng cổ phần bán ra, giá chào bán và đối với cổ đông thì tỷ lệ sở hữu có ý nghĩa hơn là mệnh giá cổ phần.

Theo luật sư Nguyễn Trọng Hoàng, Văn phòng Luật sư Từ Liêm, thực tế hoạt động sản xuất - kinh doanh cho thấy, vốn điều lệ chỉ còn mang ý nghĩa hành chính, bởi không có sự kiểm tra, kiểm soát nhằm đảm bảo là vốn điều lệ là số vốn thực có. Thị trường ghi nhận nhiều công ty đăng ký số vốn khổng lồ nhưng vốn thực tế rất thấp, thậm chí không có vốn, không nhân viên. Do vậy, luật sư Hoàng cho rằng, cần nghiên cứu bỏ quy định về vốn điều lệ, kèm theo đó là sửa đổi, thay đổi những quy định khác có liên quan.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn điều lệ không chỉ là con số về vốn góp ban đầu mà cổ đông góp vào công ty, nó còn mang ý nghĩa giới hạn chịu trách nhiệm dân sự của pháp nhân. Với ý nghĩa như vậy, không thể bỏ quy định về vốn điều lệ. Nhưng để gỡ khó và tạo thuận lợi cho DN thì cơ quan quản lý sẽ nghiên cứu, xem xét cho phép DN giảm vốn điều lệ. Như vậy, DN có thể giảm vốn điều lệ xuống cho đúng với giá trị thực, rồi sau đó thực hiện tăng vốn điều lệ. Đối với cổ đông, đây thực chất là nghiệp vụ gộp cổ phiếu.

Giải pháp giảm vốn điều lệ

Tại buổi tọa đàm về vướng mắc trong thực thi Luật Doanh nghiệp, đại diện Công ty May 10 chia sẻ, DN có nhu cầu giảm vốn điều lệ, nhưng do quy định hiện hành không cho phép nên phải đi đường vòng, chuyển đổi từ mô hình CTCP thành mô hình công ty TNHH, giảm vốn, rồi chuyển lại thành CTCP.

Lý giải vì sao Luật Doanh nghiệp không thiết kế quy định về giảm vốn điều lệ đối với CTCP, ông Phan Đức Hiếu cho hay, vốn điều là phần vốn góp của cổ đông khi thành lập công ty, tức là tại thời điểm thành lập, pháp nhân có số vốn cụ thể nào đó. Trong quá trình hoạt động, pháp nhân có thể thua lỗ hoặc lời lãi thể hiện qua các chỉ tiêu vốn chủ sở hữu, tổng tài sản, nợ dài hạn, ngắn hạn… Nhưng tất cả những điều nay không làm thay đổi một điều là trong quá khứ, tại thời điểm thành lập, DN có số vốn nhất định.

Dù vậy, theo ông Hiếu, khi soạn thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), dự kiến được Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 8 năm 2014 và có hiệu lực từ 1/1/2015, vấn đề giảm vốn điều lệ sẽ được xem xét.

Chưa rõ quy định này được thiết kế ra sao, nhưng theo ông Bùi Anh Tuấn, việc giảm vốn điều lệ sẽ có ràng buộc nhất định, ví dụ phải được ĐHCĐ thông qua, phải đảm bảo các nghĩa vụ dân sự với bên thứ ba…

Hoàng Duy

đầu tư chứng khoán