Xử lý tài sản liên quan tín dụng ngân hàng: Vẫn khó!

Xử lý tài sản liên quan tín dụng ngân hàng: Vẫn khó!

Thực tế hiện nay, có nhiều hợp đồng không có tranh chấp, nhất là hợp đồng thế chấp tài sản để vay tiền ngân hàng nhưng lại đang cần có hướng giải quyết. Chẳng hạn, vì lý do nào đó, người vay tiền không trả được, ngân hàng phải kiện ra tòa như là có tranh chấp, nhưng tòa án không thể thụ lý điều tra xét xử, vì nước ta chưa có cơ chế giải quyết việc loại này.

Nghề công chứng: 65 tuổi vẫn “chạy” tốt!

Ngày 12/11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, dự án Luật Công chứng lần này dự kiến sửa đổi, bổ sung 32 điều, bổ sung mới 11 điều, bãi bỏ 1 điều, tập trung vào việc sửa đổi quy định về phạm vi công chứng, sửa đổi một số nội dung quản lý nhà nước về công chứng.

Là người “đăng đàn” đầu tiên, đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An) cho rằng, tại khoản 3, Điều 14 dự thảo Luật có quy định: “Công chứng viên hành nghề đến khi đủ 65 tuổi, không phân biệt nam, nữ” là không phù hợp. Hoạt động công chứng là đặc thù đòi hỏi đáp ứng nhu cầu công việc cao và cần có sức khỏe. Do vậy, cần xem xét tuổi hành nghề theo quy định Luật Lao động hiện hành (nam 60 tuổi và nữ 55 tuổi – PV).

Các NHTM vẫn khó nhờ tòa án can thiệp xử lý tài sản gắn với vốn vay của khách hàng khi không thu hồi được nợ

Nhiều đại biểu cũng quan tâm tới Điều 30 về thành lập Văn phòng công chứng. Theo như dự thảo Luật Công chứng: “Văn phòng công chứng do hai công chứng viên trở lên thành lập được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh. Văn phòng công chứng do hai công chứng viên trở lên thành lập chỉ có công chứng viên hợp danh, không có công chứng viên góp vốn. Việc chấm dứt tư cách công chứng viên hợp danh và tiếp nhận công chứng viên hợp danh mới được thực hiện theo quy định của Luật này và Luật Doanh nghiệp”.

Theo các đại biểu, việc quy định có hai công chứng viên là để xử lý nhanh công việc, đáp ứng nhu cầu công chứng ngày càng nhiều. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa “ràng buộc” chặt chẽ, nên có thể xảy ra hiện tượng văn phòng có hai công chứng viên nhưng sau khi ký hợp đồng lại cho một công chứng viên thôi việc. Do đó, các đại biểu đề nghị bổ sung quy định “sau 6 tháng một công chứng viên thôi việc phải bổ sung công chứng viên khác nếu không phải cho văn phòng công chứng dừng hoạt động”.

Có nên xóa bỏ công chứng Nhà nước?

Đại biểu Đinh Thị Mai Lan (Cao Bằng) góp ý, đã có thời điểm chúng ta coi Luật Công chứng năm 2006 là biểu tượng xã hội hóa công chứng và là giải pháp cứu cánh cho sự quá tải công chứng. Nhưng trong quá trình xóa bỏ dần phòng công chứng nhà nước đã khiến người dân phải sử dụng công chứng tư như một sự bắt buộc với nhiều rủi ro về tính bảo đảm. “Với lý do như vậy, tôi không đồng tình việc xóa bỏ các phòng công chứng nhà nước quy định tại Điều 41 của Dự thảo Luật” – đại biểu Lan nhấn mạnh.

Đại biểu của đoàn Cao Bằng cũng cho biết, nếu xóa bỏ phòng công chứng nhà nước sẽ gây bất lợi cho người dân và Luật nên theo hướng đặt chất lượng dịch vụ và sự thuận tiện cho người dân lên hàng đầu. Đồng thời đảm bảo không thiếu dịch vụ công chứng ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

Tiếp theo mạch ý kiến này, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nêu vấn đề: theo dự thảo Luật, Ủy ban nhân dân tỉnh được quy định việc thành lập phòng công chứng trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, ông Tám cho rằng, “vấn đề cần thiết” ở đây là gì, cần làm rõ để tránh lạm dụng. “Theo tôi chỉ nên quy định cần thiết cho các địa bàn chưa có điều kiện phát triển phòng công chứng sẽ rõ ràng hơn” – đại biểu Tám đề nghị.

Đi vào vấn đề nóng hiện nay là xử lý tài sản thế chấp giữa ngân hàng và khách hàng, đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa Vũng Tàu) cho biết, theo quy định của văn bản pháp luật hiện hành, văn bản công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan và có giá trị chứng cứ các tình tiết sự kiện, trừ trường hợp tòa án tuyên bố vô hiệu.

Pháp luật đã thừa nhận giá trị pháp lý của văn bản công chứng rất cao như vậy và công chứng viên, theo truyền thống, được thừa nhận như thẩm phán phòng ngừa, thẩm phán hội đồng. Song, Dự thảo Luật Công chứng quy định theo hướng, nếu các bên liên quan tới tranh chấp hợp đồng thì tòa án giải quyết bởi chức năng của tòa án là giải quyết các tranh chấp, khi không có tranh chấp thì tòa án không thụ lý giải quyết.

Song thực tế hiện nay, có nhiều hợp đồng không có tranh chấp, nhất là hợp đồng thế chấp tài sản để vay tiền ngân hàng nhưng lại đang cần có hướng giải quyết. Chẳng hạn, vì lý do nào đó, người vay tiền không trả được, ngân hàng phải kiện ra tòa như là có tranh chấp, nhưng tòa án không thể thụ lý điều tra xét xử, vì nước ta chưa có cơ chế giải quyết việc loại này. "Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục thực hiện khảo sát và liên hệ với Tòa án nhân dân tối cao để biết thêm và báo cáo thêm trước Quốc hội” – ông Hiến khẩn thiết đề nghị.

Đức Nghiêm

thời báo ngân hàng