Chứng khoán năm 2014: Bốn yếu tố chi phối xu hướng

Chứng khoán năm 2014: Bốn yếu tố chi phối xu hướng

Những yếu tố thuận lợi và thách thức đan xen khiến xu hướng TTCK năm 2014 không thể hoàn toàn lạc quan.

* Chứng khoán năm 2013: Điều gì đã tạo nên những con sóng? 

Tuy đã hồi phục trở lại sau giai đoạn điều chỉnh giữa năm, nhưng TTCK Việt Nam vẫn chưa thể bứt phá khỏi đỉnh cũ tạo dựng trong năm 2013. “Phần thưởng” trong năm 2013 là khá chọn lọc, chỉ dành cho những ai đầu tư đúng xu hướng.

Những yếu tố tác động quan trọng được nêu dưới đây sẽ giúp giới đầu tư có kỳ vọng hợp lý về xu hướng của thị trường trong năm 2014.

VAMC sẽ cho thấy hiệu quả trong việc xử lý nợ xấu? Hoạt động xử lý nợ xấu của VAMC đã thu hút sự chú ý không nhỏ của giới đầu tư trong năm 2013. Tiếp tục được kỳ vọng sẽ giúp ngân hàng khoanh được nợ xấu và thúc đẩy tín dụng, hoạt động của VAMC sẽ được quan sát kỹ hơn về thực chất trong năm 2014.

Ngoài việc VAMC đã mua bao nhiêu nợ xấu từ các NHTM như năm 2013, giới đầu tư sẽ chú ý hơn đến việc VAMC sẽ xử lý các khoản nợ xấu đã mua thế nào trong đó có tiến độ bán nợ xấu, và hiệu quả hoạt động của ngân hàng cũng như doanh nghiệp sẽ cải thiện như thế nào sau khi được VAMC mua nợ. Năm 2014, VAMC dự kiến sẽ mua thêm từ 100,000-150,000 tỷ đồng nợ xấu.

Cũng cần để ý thêm rằng, bên cạnh hoạt động mua nợ xấu của VAMC, ngày 27/05/2013, Thông tư 02 vốn quy định về việc phân loại nợ và trích lập dự phòng nợ xấu chặt chẽ hơn đã được hoãn thực hiện một năm và dời sang ngày 01/6/2014.

Theo số liệu đến cuối tháng 10/2013 của NHNN, số nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ theo chủ trương trong Quyết định 780 là 316,800 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% tổng dư nợ. Việc áp dụng Thông tư 02 từ tháng 6/2014 có thể đẩy số nợ xấu gia tăng và lúc này, tính hiệu quả trong hoạt động xử lý nợ xấu của VAMC càng trở nên quan trọng.

NHNN sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng? Mục tiêu kinh tế vĩ mô do Quốc hội đề ra cho năm 2014 là kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 7%, tăng trưởng kinh tế khoảng 5.8%. Với định hướng không nhiều thay đổi so với năm 2013, nhiều khả năng NHNN sẽ tiếp tục duy trình chính sách tiền tệ nới lỏng trong năm 2014. Có thể thấy rõ điều này khi mục tiêu tăng trưởng tính dụng năm 2014 tiếp tục duy trì ở mức 12-14%. Đây là tín hiệu khá tích cực cho TTCK trong năm 2014.

Tuy nhiên, cũng cần để ý rằng, việc kiểm soát lạm phát năm 2014 sẽ vẫn tiếp tục gặp khó khăn khi áp lực tăng giá điện, dịch vụ y tế, những ảnh hưởng từ chính sách tiền tệ nới lỏng trong năm 2013… có thể phát sinh những tác động tiêu cực.

Dòng tiền đầu tư dài hạn từ khối ngoại. Việc khối ngoại quay trở lại mua ròng vào cuối năm 2013 cho thấy dòng vốn nước ngoài vẫn luôn quan tâm đến TTCK Việt Nam. Cần lưu ý rằng đây là dòng tiền quan trọng, có tác động mạnh mẽ lên xu hướng của TTCK Việt Nam (xem thêm thông tin tại đây).

Tuy nhiên, có thể thấy rằng dòng vốn của khối ngoại hiện tại chủ yếu mang tính ngắn hạn, trong đó ảnh hưởng từ giao dịch của các quỹ ETF là rất lớn. Do đó, tính chất dài hạn của dòng tiền khối ngoại sẽ là điểm tựa cho sự hồi phục tích cực của thị trường nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Trong ngắn hạn, điều đang khiến giới đầu tư lo ngại là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể thu hồi chương trình mua 85 tỷ USD trái phiếu/tháng (QE3) và ảnh hưởng tiêu cực lên dòng tiền vào các thị trường mới nổi như Việt Nam.

Dòng tiền sẽ tiếp tục đổ vào kênh đầu tư chứng khoán? Nền kinh tế thế giới đang ngày một ấm dần lên và trở thành yếu tố bất lợi không nhỏ đối với giá vàng. Trong khi đó, lạm phát mục tiêu năm 2014 duy trì ở mức 7% khiến mặt bằng lãi suất huy động có thể sẽ không có nhiều đột biến. Do đó, với sự sôi động và mức sinh lời lớn có được trong năm 2013, TTCK năm 2014 nhiều khả năng sẽ tiếp tục thu hút được dòng tiền của giới đầu tư trong tương quan so sánh với các kênh đầu tư khác.

Nguyễn Đức Cường

công lý