Triển khai nhiệm vụ tài chính-ngân sách năm 2014

Triển khai nhiệm vụ tài chính-ngân sách năm 2014

Sáng nay 30-12, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết nhiệm vụ tài chính- ngân sách năm 2013, triển khai nhiệm vụ tài chính- ngân sách năm 2014. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tới dự và chỉ đạo hội nghị.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong năm 2013, nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2013 được thực hiện trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục gặp khó khăn, phục hồi tăng trưởng kinh tế chậm hơn dự kiến.

Quang cảnh Hội nghị

Ở trong nước, kinh tế vĩ mô đã bước đầu ổn định và có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp, tạm ngưng hoạt động; lượng hàng tồn kho lớn, số doanh nghiệp kê khai làm ăn có lãi giảm,... ảnh hưởng lớn đến kết quả thu NSNN.

Trong khi đó, dự toán thu NSNN năm 2013 là rất nặng nề, dự toán thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 20% so với năm 2012, là mức rất cao so với khả năng kinh tế.

Bên cạnh đó, yêu cầu hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn để khuyến khích đầu tư, sản xuất - kinh doanh, đồng thời bảo đảm an sinh xã hội cũng là những yếu tố chi phối công tác điều hành NSNN năm 2013.

Chủ động tháo gỡ khó khăn

Trên cơ sở đánh giá tình hình, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã chủ động trình Chính phủ quyết định nhiều giải pháp miễn, giảm, gia hạn một số khoản thu ngân sách để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và khẩn trương tổ chức hướng dẫn và thực hiện.

Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp và Luật thuế Giá trị gia tăng với những điều chỉnh ưu đãi hơn cho doanh nghiệp, đặc biệt là đã cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng sớm 6 tháng (từ 1-7-2013), mức thuế suất thuế TNDN 20% (giảm so với mức 25% trước đó).

Các giải pháp ưu đãi thuế nêu trên đã nhận được sự đồng thuận từ cộng đồng doanh nghiệp. Cả năm, xử lý miễn, giảm, giãn tiền thuế, tiền thuê đất và tiền sử dụng đất khoảng 16.600 tỷ đồng, hỗ trợ tích cực hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế vượt qua khó khăn.

Thu đảm bảo chi

Trên cơ sở số thu 9 tháng đầu năm và làm việc với các địa phương, Bộ Tài chính đã báo cáo Quốc hội đánh giá thu năm 2013 hụt 25.200 tỷ đồng; không kể các khoản xử lý ghi thu-ghi chi ngoài dự toán (38.430 tỷ đồng) thì hụt 63.630 tỷ đồng.

Những tháng cuối năm, với tinh thần phấn đấu quyết liệt, tăng cường xử lý nợ đọng thuế, kiểm tra chặt chẽ chi hoàn thuế GTGT,... do đó đến nay tổng thu NSNN đã đạt dự toán Quốc hội giao.

Trong đó, đã thu vào NSNN trên 20.000 tỷ đồng cổ tức DNNN và phần lợi nhuận còn lại sau khi trích nộp các quỹ theo quy định của pháp luật của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ; thu tiền sử dụng đất đạt khoảng 42.500 tỷ đồng, vượt trên 3.300 tỷ đồng so số báo cáo Quốc hội,...

Số tăng cân đối thu thêm chủ yếu là ngân sách Trung ương nên sẽ đảm bảo thanh toán hết số nợ hoàn thuế GTGT phát sinh năm 2013 theo yêu cầu của Quốc hội (14.800 tỷ đồng).

Các địa phương trọng điểm thu đạt và vượt dự toán thu trên địa bàn như TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Phúc,...

Đó là kết quả của việc triển khai đồng bộ và có hiệu quả nhiều giải pháp quản lý thu, khai thác nguồn thu, chống thất thu; tăng cường thanh tra, kiểm tra; đẩy nhanh việc xử lý nợ đọng thuế theo đúng quy định của pháp luật, phấn đấu năm 2013 giảm số nợ đọng thuế nội địa xuống dưới 5%; đôn đốc thu đủ, thu kịp thời số tiền truy thu, tiền phạt, tiền nợ thuế vào NSNN và các khoản thu theo kết luận, kiến nghị của Thanh tra, Kiểm toán....

Trong điều hành, mặc dù thu ngân sách khó khăn nhưng Bộ Tài chính đã chủ động huy động các nguồn lực để đảm bảo các nhu cầu chi cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh, trả nợ, cải cách tiền lương, an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai.

Bên cạnh đó, các dự án quan trọng, cấp bách đã được tập trung giải ngân vốn. Công tác quản lý chi tiêu được tăng cường, đến 31-12-2013, hệ thống KBNN ước thực hiện kiểm soát chi đối với gần 648.300 tỷ đồng chi thường xuyên của NSNN, đạt 96% dự toán chi thường xuyên, đã phát hiện trên 77.000 khoản chi của trên 34.600 lượt đơn vị chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định, từ chối chưa thanh toán với số tiền trên 1.400 tỷ đồng chưa đủ điều kiện chi theo quy định; đối với chi đầu tư phát triển, đã giải ngân qua hệ thống KBNN ước đạt 197.790 tỷ đồng, đạt 75% kế hoạch vốn năm 2013, thông qua kiểm soát, đã từ chối thanh toán khoảng 80 tỷ đồng do chủ đầu tư đề nghị thanh toán cao hơn giá trúng thầu, sai số học hoặc không có trong hợp đồng, dự toán,...

Bội chi NSNN được điều hành trong phạm vi Quốc hội đã cho phép là 5,3% GDP.

Hồng Vân

hải quan