Năm 2020, có thể chưa sản xuất điện nguyên tử

Năm 2020, có thể chưa sản xuất điện nguyên tử

Theo kế hoạch, đến năm 2020, Việt Nam sẽ đưa tổ máy đầu tiên của Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vào vận hành với công suất 1.000 MW. Tuy nhiên theo một phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ngày 16-1 qua thì việc khởi công nhà máy điện nguyên từ đầu tiên của Việt Nam có thể hoãn đến năm 2020.

Ngày 16-1, báo Tuổi Trẻ trích phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại lễ tổng kết năm của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) ngày 15-1 rằng: "Việc khởi công xây dựng nhà máy điện nguyên tử Ninh Thuận có thể sẽ hoãn đến năm 2020 mới thực hiện. Làm điện nguyên tử phải đảm bảo an toàn cao nhất, hiệu quả cao nhất, không đạt không làm”.

Theo quyết định 906/2010/TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2030 Việt Nam sẽ xây dựng 13 tổ máy điện hạt nhân. Giai đoạn đầu, từ nay đến năm 2015, sẽ hoàn thành việc phê duyệt dự án đầu tư, địa điểm, tổ chức lựa chọn nhà thầu, chuẩn bị chuyên gia kỹ thuật nòng cốt để khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.

Dự kiến đến năm 2020, sẽ hoàn thành việc xây dựng và đưa tổ máy đầu tiên của Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vào vận hành với công suất 1.000 MW, tổ máy 2 vận hành vào năm 2021. Đồng thời, khởi công xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 và tiến hành công tác chuẩn bị địa điểm cho việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tiếp theo. Kế hoạch là đến năm 2025, tổng công suất các nhà máy điện hạt nhân khoảng 8.000 MW và sẽ tăng lên 15.000 MW vào năm 2030 (chiếm khoảng 10% tổng công suất nguồn điện).

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online hôm nay (17-1) về những nguyên nhân dẫn đến việc có thể hoãn khởi công nhà máy điện nguyên tử Ninh Thuận đến năm 2020 (thay vì năm 2014), ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hội Năng lượng Việt Nam cho rằng khả năng chính có thể là do phương án tài chính cho dự án vẫn chưa ngã ngũ, còn đang được bàn thảo giữa Việt Nam và các nước cho vay. Dự án nhà máy điện nguyên tử Ninh Thuận 1 vay vốn của Nga và điện nguyên tử Ninh Thuận 2 vay vốn của Nhật Bản.

Theo ông Ngãi được biết, các bên liên quan vẫn còn đang bàn thảo việc xác định công nghệ, thiết bị, loại lò phản ứng …, từ đó tính ra giá trị tổng dự toán để làm cơ sở xác định vốn vay và phương án tài chính cho dự án.

Ông Ngãi cho rằng, đối với hai dự án điện nguyên tử Ninh Thuận thì yếu tố quan trọng hàng đầu là lựa chọn công nghệ nào tuyệt đối an toàn, hàm lượng chất phóng xạ thoát ra bên ngoài không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân địa phương.

Xét về tính cấp thiết của điện nguyên tử, ông Ngãi nhận định thêm từ nay đến năm 2020 sẽ có một số dự án điện quan trọng có thể đủ cấp điện cho miền Nam gồm nhiệt điện Long Phú 1, Long Phú 2, Sông Hậu, Duyên Hải 1, Duyên Hải 2, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4 … với công suất tăng thêm gần 10.000 MW và xem như miền Nam từ nay đến năm 2020 đảm bảo đủ điện, thậm chí còn dư 20% nguồn dự phòng.

Như vậy từ nay đến 2020 không quá lo ngại nguồn cung điện cho miền Nam, do đó chưa nhất thiết phải cần đến điện nguyên tử.

Văn Nam

tbktsg