Ngành may hướng tới hiệp định TPP

Ngành may hướng tới hiệp định TPP

Ông Trần Quang Nghị - Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex)- cho biết, để góp phần nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh và chuẩn bị cho quá trình gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP, Vinatex cần đổi mởi công nghệ, chủ động nguồn cung nguyên liệu.

Để làm được điều đó, Vinatex có nhu cầu vốn khoảng 600 triệu USD cho các chương trình, dự án đầu tư cũng như hỗ trợ nguồn vốn lưu động cho các đơn vị thành viên của Tập đoàn.

Do đó, Vinatex đã báo cáo đề xuất UBNDBình Định tìm kiếm các khả năng, cơ hội đầu tư Khu liên hiệp sản xuất may mặc xuất khẩu, triển khai chuỗi siêu thị quảng bá sản phẩm dệt may Việt Nam. Cụ thể, Vinatex đã đề xuất tỉnh Bình Định nghiên cứu khả năng cung ứng một vùng nguyên liệu khoảng 60 nghìn ha. Đây sẽ là nguồn cung cấp nguyên liệu to lớn, dồi dào cho khoảng 30.000 tấn sợi mỗi năm cho ngành may cả nước. Ngoài ra, Vinatex sẽ nghiên cứu khả năng đầu tư một nhà máy dệt nhuộm công suất 60 triệu sản phẩm/năm; đầu tư từ 8- 10 nhà máy may mặc, xuất khẩu và xây dựng chuỗi các siêu thị, kênh bán hàng trực tiếp tại Thành phố Quy Nhơn, các thị xã, thị tứ trong tỉnh.

Để thực thi những kế hoạch trên, mới đây Vinatex và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã ký kết thỏa thuận hợp tác về việc BIDV sẽ tài trợ vốn và dịch vụ cho Vinatex thực hiện đầu tư, mở rộng, chiều sâu và đổi mởi công nghệ hướng tới kế hoạch Việt Nam gia nhập TPP .

Theo đó, BIDV cam kết tài trợ Vinatex gói tín dụng với doanh số cấp tín dụng lên tới 600 triệu USD trong giai đoạn 2014-2016. Trong đó vốn vay ngắn hạn là 250 triệu USD cho mục đích bổ sung vốn lưu động, tài trợ xuất nhập khẩu và các nhu cầu vay ngắn hạn khác; vốn vay trung dài hạn là 350 triệu USD tài trợ các dự án đầu tư của Vinatex và các đơn vị thành viên. Trong đó đặc biệt ưu tiên cho chương trình đầu tư cụm công nghiệp sợi - dệt- nhuộm - may - xuất khẩu và Trung tâm siêu thị thương mại tại Bình Định.

Theo ông Trần Quang Nghị, việc thúc đẩy tốt vào đầu tư nguyên liệu sẽ kéo theo các chỉ tiêu về xuất siêu, giá trị gia tăng, tỷ lệ nội địa hóa của ngành dệt may được nâng cao. Dự kiến ngành sẽ sớm đạt mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa 60% vào năm 2015 và 70% vào năm 2020. Qua đó phát huy vai trò đầu tàu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam của Vinatex.

Thùy Dương

Công thương