Thị trường phát điện cạnh tranh còn... nửa vời

Thị trường phát điện cạnh tranh còn... nửa vời

Thị trường điện cạnh tranh của Việt Nam đã thực hiện được bước đầu. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia, Việt Nam cần đẩy nhanh hơn lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh.

Thị trường phát điện cạnh tranh của Việt Nam đã vận hành được hơn 2 năm. Đánh giá về những kết quả bước đầu, ông Phạm Quang Huy, Trưởng phòng phát triển điện, Cục điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho hay, thị trường phát điện cạnh tranh đã giúp việc huy động điện tốt hơn, giá phát điện cũng đã phản ánh được chi phí phát điện và nhu cầu theo giờ. Các nhà máy phát điện cũng tích cực giảm chi phí của mình.

Thế nhưng tại hội thảo Thủy điện và Cải cách thị trường điện tại Việt Nam do Bộ Công Thương Việt Nam và Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam tổ chức ngày 19-3, một số chuyên gia nước ngoài lại cho rằng, thị trường phát điện canh tranh của Việt Nam còn nửa vời.

Theo lý giải của ông Tobjorn Kirkeby Garstad, Phó Chủ tịch Đông Nam Á của SNP Power, thị trường phát điện cạnh tranh của Việt Nam hiện nay chưa phải thị trường hoàn hảo. Nguyên tắc của thị trường điện cạnh tranh là không áp đặt giá, nhất là giá cho nguồn phát.

Đáp lại ý kiến trên, ông Phạm Quốc Huy thì cho rằng, Bộ Công Thương hiểu được nguyên tắc của thị trường nhưng trong điều kiện thị trường Việt Nam chưa thể áp dụng tất cả các nguyên tắc. Na Uy là nước có thị trường điện phát triển cao còn Việt Nam vẫn là nước mới bước đầu áp dụng.

Còn theo ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), để tiến lên thị trường điện tương đương với Na Uy thì Việt Nam phải đi từng bước chứ không thể “nhảy cóc” được. “Nếu dưới góc nhìn của các chuyên gia Na Uy, có thể thị trường điện Việt Nam mới đang chập chững ban đầu. Thị trường điện Việt Nam đang đi từng bước một và tới năm 2021 hoàn thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thì cũng tương đương với thời gian xây dựng thị trường điện cạnh tranh của Na Uy”, ông Phúc nói.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ông Tobjorn Kirkeby Garstad, Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình thực hiện bán buôn, bán lẻ điện chứ không phải chờ tới 10 năm nữa (theo đúng kế hoạch đến năm 2023 thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh).

Một vị chuyên gia về điện của Singapore cho rằng, Việt Nam đã có thị trường phát điện cạnh tranh tiến tới xây dựng thị trường bán buôn và bán lẻ cạnh tranh. Trong các giai đoạn này thì thủy điện vẫn là nguồn phát điện chiếm tỷ trọng lớn. Do vậy, Việt Nam cần có sự đấu nối và liên kết với các nước trong khu vực, có thể là một đầu mối bán buôn cho các nước trong khu vực tham gia và có lưới điện liên kết toàn Đông Nam Á. Hiệu quả của mô hình này là lượng điện sản xuất rẻ sẽ được điều tiết đến các khu vực có giá cao tránh được lãng phí trong sản xuất điện.

Phan Thu

hải quan