“Cởi trói” cho doanh nghiệp kinh doanh

“Cởi trói” cho doanh nghiệp kinh doanh

Cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trông đợi Luật Doanh nghiệp đang tiến hành sửa đổi. Một trong 5 điểm mới của dự luật đề nghị bỏ việc đăng ký ngành nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được đánh giá là tháo rào cho doanh nghiệp kinh doanh.

Một lãnh đạo doanh nghiệp chuyên về thiết kế nội thất trên phố Bạch Mai (Hà Nội) kể: Giấy phép đăng ký kinh doanh lần đầu của công ty là vào ngày 14/08/2009. Ngành, nghề đăng ký: tư vấn thiết kế nội thất gia đình, quán cà phê, showroom văn phòng; sản xuất nội thất. Sau một thời gian phát triển công ty muốn mở rộng thêm hoạt động: nhập khẩu và phân phối nội thất Ý nhưng muốn đăng ký thêm ngành nghề buộc phải thực hiện thủ tục thay đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, với bộ hồ sơ gồm 8 loại giấy tờ, rất phức tạp.

Vì vậy khi mà doanh nghiệp mới thành lập không cần đăng ký ngành nghề kinh doanh, các doanh nghiệp tư nhân cho rằng đó là sự "cởi trói”.

Thực tế hiện nay, mỗi lần doanh nghiệp muốn xin thay đổi, điều chỉnh một vài hoạt động đều phải trải qua các thủ tục rất phức tạp, vất vả và tốn nhiều thời gian.

Trong dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất thay đổi: Sẽ tách biệt việc đăng ký thành lập doanh nghiệp và việc xin Giấy phép kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo hướng bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp như yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, xác nhận vốn pháp định.

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sẽ không ghi ngành nghề, trừ ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nghĩa là doanh nghiệp có quyền kinh doanh mọi ngành nghề pháp luật không cấm thay vì chỉ được kinh doanh những gì đã đăng ký.

T.S Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, đây là bước tiến lớn, bởi lẽ việc đăng ký ngành nghề kinh doanh đem lại nhiều rủi ro cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không có trong giấy ĐKKD sẽ là vi phạm và xử lý hành chính hoặc thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự, mặc dù doanh nghiệp được phép kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Bản thân về phía đối tác làm việc cùng với doanh nghiệp cũng vậy, nếu hợp đồng hợp tác được ký mà doanh nghiệp không đăng ký kinh doanh thì rất dễ bị tuyên vô hiệu khi xảy ra tranh chấp.

Một khi tấm áo cũ Luật Doanh nghiệp 2005 đã chật, sân chơi doanh nghiệp tư nhân hạn chế thì việc mở rộng, nới quyền cho doanh nghiệp tư nhân là điều tất yếu.

Thật dễ hiểu với sự hồ hởi của giới doanh nghiệp vì đây là cơ hội sinh tồn của doanh nghiệp tư nhân.

Hồ Hương

Đại đoàn kết