Điều tiết lợi nhuận của Nhà nước tại DN

Điều tiết lợi nhuận của Nhà nước tại DN

Để quản lý chặt chẽ hơn vốn Nhà nước đầu tư tại DN, Dự án Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN đã xác định rõ nguyên tắc phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp.

Mặc dù kinh tế chưa hồi phục nhưng các DNNN đã có tăng trưởng đáng kể. Ảnh: Internet

Về vai trò điều tiết của Nhà nước đối với lợi nhuận của doanh nghiệp: Theo Luật DNNN năm 2003, việc phân phối lợi nhuận của công ty nhà nước theo tỷ lệ vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp so với vốn doanh nghiệp tự huy động sau khi thực hiện các nghĩa vụ theo quy định.

Điều này nảy sinh bất cập đối với doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu bằng vốn nhà nước đầu tư, vốn tự huy động ít hoặc không có để bảo đảm đầu tư phát triển cho doanh nghiệp và quyền lợi của doanh nghiệp.

Khắc phục tình trạng này, kể từ ngày Luật DNNN năm 2003 hết hiệu lực thi hành, Chính phủ đã có quy định trình tự phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp sau khi bù lỗ năm trước, trích Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ, nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp theo quy định, doanh nghiệp được trích lập Quỹ đầu tư phát triển, Quỹ khen thưởng phúc lợi cho người lao động, Quỹ thưởng viên chức quản lý doanh nghiệp dựa trên hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, xếp loại doanh nghiệp theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

Để chặt chẽ hơn, Dự án Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN đã xác định rõ nguyên tắc phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp theo hướng: Việc phân phối lợi nhuận sau thuế đảm bảo lợi ích của Nhà nước khi đầu tư vốn vào doanh nghiệp, để lại một phần lợi nhuận để tái đầu tư phát triển doanh nghiệp và một phần lợi nhuận để trích Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi cho người lao động tại doanh nghiệp.

Thời gian qua, DNNN đã cơ bản thực hiện được vai trò, nhiệm vụ chủ sở hữu giao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù kinh tế thế giới chưa hồi phục, xuất khẩu hàng hóa còn hạn chế nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của các DNNN vẫn có sự tăng trưởng đáng kể, vốn chủ sở hữu, doanh thu tăng; tỷ suất Lợi nhuận/Vốn chủ sở hữu đạt ở mức khá, đóng góp thu nộp cho ngân sách nhà nước.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, năm 2006 khi mới hình thành một số tập đoàn kinh tế (TĐKT) nhà nước, quy mô vốn chủ sở hữu của các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) là 317.647 tỷ đồng, đến hết năm 2012 vốn chủ sở hữu của các TĐ, TCT là 921.638 tỷ đồng, bằng 290% so với năm 2006. Vốn chủ sở hữu của các TĐ, TCT hàng năm tăng chủ yếu từ nguồn lợi nhuận sau thuế; đánh giá lại tài sản, thặng dư vốn thu được trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên, đơn vị phụ thuộc của TĐ, TCT.

Tổng tài sản năm 2006, tổng tài sản của các TĐ, TCT là 751.698 tỷ đồng, đến hết năm 2012, tổng tài sản của các TĐ, TCT là 2.392.274 tỷ đồng, bằng 318% so với năm 2006.

Doanh thu năm 2006 của các TĐ, TCT là 455.822 tỷ đồng, đến hết năm 2012, doanh thu của các TĐ, TCT là 1.572.983 tỷ đồng, bằng 345% so với năm 2006.

Lợi nhuận năm 2006 của các TĐ, TCT là 67.201 tỷ đồng, đến hết năm 2012, lợi nhuận của các TĐ, TCT là 156.146 tỷ đồng, bằng 232% so với năm 2006.

Năm 2006, nộp ngân sách nhà nước của các TĐ, TCT là 143.756 tỷ đồng, đến hết năm 2012, nộp ngân sách của các TĐ, TCT là 200.141 tỷ đồng, bằng 139% so với năm 2006.

Minh Anh

hải quan