DN tư nhân "ngày một còi cọc hơn"

DN tư nhân "ngày một còi cọc hơn"

Trước các cú sốc kinh tế, doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc khu vực tư nhân thường chịu ảnh hưởng nặng nề nhất so với doanh nghiệp Nhà nước hay doanh nghiệp FDI.

Doanh nghiệp tư nhân có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Ảnh Văn Bắc.

Doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp Nhà nước ít ảnh hưởng

Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp với Trung tâm nghiên cứu năng lực cạnh tranh vừa công bố báo cáo "Hoạt động của doanh nghiệp tư nhân: Thực trạng, vấn đề và hàm ý chính sách".

Một trong những nội dung được đề cập trong báo cáo là so sánh mức độ ảnh hưởng của các cú sốc kinh tế đến 3 loại hình doanh nghiệp: doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Nhà nước.

Theo báo cáo, khi có các cú sốc kinh tế, các doanh nghiệp FDI không chịu tác động quá nặng nề vì thị trường của họ ở nước ngoài.

Chẳng hạn, năm 2012, “khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 12 tỷ USD, tập trung ở nhóm hàng gia công lắp ráp. Ngược lại, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,7 tỷ USD”. Vốn của các doanh nghiệp FDI cũng từ nước ngoài và thậm chí khi có các cú sốc kinh tế, nền kinh tế suy giảm hoạt động, giá các loại đầu vào trong nền kinh tế còn giảm hoặc không tăng mạnh như khi nền kinh tế đang bùng nổ, do đó khu vực doanh nghiệp FDI có lợi nhiều nhất.

Với doanh nghiệp Nhà nước, báo cáo nhận định: Các doanh nghiệp Nhà nước cũng chịu tác động nặng nề vì nhiều doanh nghiệp trong số này dựa vào thị trường nội địa và hoạt động vốn dĩ kém hiệu quả. Khi gặp các cú sốc, các điểm yếu của các doanh nghiệp này bắt đầu bộc lộ. Chẳng hạn, nhiều tập đoàn và tổng công ty trong thời kỳ thị trường bất động sản và chứng khoán bùng nổ thì lại không hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh chính, bỏ nguồn lực vào các hoạt động chứng khoán và bất động sản. Khi hai thị trường này đóng băng, nhiều tập đoàn và tổng công ty Nhà nước lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Nhà nước lại có được hỗ trợ của Nhà nước trong bối cảnh khó khăn. Các doanh nghiệp Nhà nước có thể cho vay và vay lẫn nhau (cho vay chéo) hoặc họ được các ngân hàng thương mại Nhà nước cho vay vốn nếu cần thiết. Ngoài ra, họ có thể được Nhà nước dựng lên các hàng rào thuế quan hoặc phân bổ cho các dự án hoặc nhận được các gói thầu ưu đãi…

Nói chung, các doanh nghiệp Nhà nước cũng phải chịu đựng các cú sốc nhưng họ lại được sự ưu đãi của Nhà nước bù vào đó.

Tuy nhiên báo cáo cũng lưu ý: Không phải các doanh nghiệp Nhà nước nào cũng làm ăn kém hiệu quả. Những doanh nghiệp Nhà nước phải cạnh tranh trên thị trường quốc tế liên tục đổi mới và chịu sức ép cạnh tranh rất lớn.

Tư nhân "lãnh đủ"

Theo báo cáo, các doanh nghiệp tư nhân, vốn dĩ nhỏ bé nên khi có cú sốc tiêu cực ập đến, khu vực này không có sức đề kháng. Các doanh nghiệp tư nhân không dễ tiếp cận đến đất đai, nguồn vốn chính thức và do nguồn lực rất nhỏ nên cũng khó tiếp cận được đến công nghệ hiện đại. Thị trường mà các doanh nghiệp tư nhân tập trung thường là thị trường ngách, thị trường nội địa. Khi nền kinh tế đi xuống, doanh nghiệp tư nhân bị ảnh hưởng ngay lập tức.

Theo Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 3 tháng đầu năm 2014, cả nước có 18.358 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (với số vốn đăng ký 97.983 tỷ đồng, tăng 16,9% về số doanh nghiệp và tăng 23,4% về số vốn đăng ký).

Song, tổng số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động cũng lên tới 16.745 doanh nghiệp, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong gần 3 năm qua (2011-2013), tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm đã làm cho khu vực doanh nghiệp tư nhân hứng chịu tác động bất lợi nặng nề. Đặc biệt, trong bối cảnh cầu suy giảm, các ngân hàng cũng thắt chặt cho vay tín dụng.

Vì thế, trong 3 năm liên tiếp, số doanh nghiệp phá sản ngày một gia tăng. Báo cáo nhấn mạnh: Các doanh nghiệp phá sản, giải thể năm 2011 có thể quá yếu vì không chịu nổi cú sốc. Tuy nhiên các doanh nghiệp phá sản, giải thể năm 2013 lại là các doanh nghiệp mạnh thực sự nhưng cũng đã không thể chịu nổi một thời gian dài nền kinh tế đi xuống trong khi giá các loại đầu vào trong nền kinh tế liên tục tăng.

Nhìn chung, doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ là động lực và nền tảng cho sự phát triển của nền kinh tế liên tục chịu đựng các cú sốc tiêu cực. Các doanh nghiệp Nhà nước làm ăn kém hiệu quả, nhận được sự ưu đãi, đùm bọc của Nhà nước vì thế cũng khó có năng lực cạnh tranh. Còn các doanh nghiệp FDI liên tục mở rộng và không chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực bởi các chính sách vĩ mô trong nước.

Vì thế, báo cáo đánh giá: Sự mở rộng của các doanh nghiệp FDI để chiếm nguồn lực của các doanh nghiệp tư nhân trong nước là một điều tất yếu và cũng đặt ra nhiều bài toán trong chính sách của Chính phủ.

"Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc khu vực doanh nghiệp tư nhân, nhiều năm không có chính sách phát triển hợp lý và không nhận được những ưu đãi như khu vực doanh nghiệp Nhà nước làm cho khu vực này ngày một còi cọc hơn" - báo cáo nhận định.

Lương Bằng

hải quan