DN lạc quan về kinh tế 6 tháng cuối năm

DN lạc quan về kinh tế 6 tháng cuối năm

Mặc dù còn nhiều tồn tại nhưng tình hình sản xuất - kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014 của DN được cho là tốt hơn so với 6 tháng cuối năm 2013.

CôngThương - Đây là kết quả của Báo cáo động thái doanh nghiệp Việt Nam 6 tháng đầu năm do Viện Phát triển Doanh nghiệp - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố sáng nay (19/6) tại Hà Nội.

Tình hình sản xuất - kinh doanh được cải thiện

Trong tháng 4,5/2014, VCCI đã tiến hành khảo sát nhanh động thái doanh nghiệp Việt Nam (VBiS) với doanh nghiệp trên toàn quốc nhằm đánh giá cảm nhận về tình hình sản xuất - kinh doanh 6 tháng đầu năm.

Đại diện Viện Phát triển Doanh nghiệp – bà Đoàn Thị Quyên cho biết, doanh số của các doanh nghiệp có xu thế được cải thiện rõ rệt. Doanh nghiệp cũng dự cảm doanh số 6 tháng cuối năm 2014 tiếp tục được cải thiện khá cao.

Hầu hết chỉ số động thái (CSĐT) thực thấy của các yếu tố phản ánh tình hình sản xuất - kinh doanh đều được cải thiện như: Tổng doanh số, hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị, số lượng công nhân viên, năng suất lao động bình quân, và lượng đơn đặt hàng, trong đó CSĐT thực thấy của tổng doanh số được cải thiện nhiều nhất.

Vẫn tồn tại yếu tố chưa được cải thiện như lợi nhuận/đơn vị sản phẩm và giá bán bình quân. Dù vậy, các doanh nghiệp dự cảm hai yếu tố này sẽ được cải thiện vào 6 tháng cuối năm 2014.

“Từ khi khảo sát VBiS bắt đầu thực hiện vào năm 2010, đây là lần đầu tiên yếu tố về lợi nhuận được doanh nghiệp dự cảm tốt lên (+ 3 điểm)”, bà Quyên cho biết.

Về các yếu tố tác động trực tiếp đến tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, ngoài yếu tố về giá thành sản xuất, CSĐT thực thấy của các yếu tố phản ánh điều kiện kinh doanh đều mang giá trị dương. Điều này cho thấy sự cải thiện của các điều kiện sản xuất - kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2014.

Đáng lưu ý là giá thành sản xuất 6 tháng đầu năm 2014 cao hơn so với giá thành 6 tháng cuối năm 2013 nhưng các doanh nghiệp dự đoán yếu tố này sẽ giảm đi vào 6 tháng cuối năm 2014.

Như vậy, tất cả các yếu tố tác động đến tình hình sản xuất - kinh doanh đều được các doanh nghiệp dự cảm sẽ được cải thiện vào 6 tháng cuối năm 2014.

Giải ngân vốn FDI có thể chậm lại

Theo ông Nguyễn Thắng – Giám đốc Trung tâm Phân tích và dự báo (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), 6 tháng cuối năm, một số yếu tố kinh tế vĩ mô có thể bị ảnh hưởng, đặc biệt là đầu tư, xuất nhập khẩu, thị trường tiền tệ, tài chính, qua đó có thể gây sức ép đối với tăng trưởng kinh tế.

Xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng nhiều là các mặt hàng nông sản như: Cao su, lúa gạo, rau quả trong khi nhập khẩu các mặt hàng phân bón, giống cây trồng, nguyên phụ liệu ngành dệp may (vải, hóa chất nhuộm, phụ kiện…) có thể bị tác động.

Mặt khác, dòng vốn FDI, đặc biệt là vốn giải ngân có thể chậm lại trước tâm lý quan ngại của các nhà đầu tư. Thị trường du lịch cũng bị tác động, đặc biệt là lượng khách du lịch từ Trung Quốc. Vận tải đường biển, bắt xa bờ, khai thác dầu khí cũng có thể bị ảnh hưởng. Thị trường tài chính (vàng, tỷ giá, chứng khoán) có thể có những biến động phức tạp do yếu tố tâm lý.

Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng, những nỗ lực của Quốc hội và Chính phủ với các biện pháp, giải pháp ứng phó kịp thời, cùng việc triển khai có hiệu quả và đồng bộ các chính sách pháp luật mới được sửa đổi, ban hành thì khả năng hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm sẽ góp phần hạn chế các tác động tiêu cực.

Thúy Ngọc

Công thương