Ông Trần Anh Thắng (OCS): Hậu ETF, hướng giảm sẽ chiếm ưu thế!

Ông Trần Anh Thắng (OCS): Hậu ETF, hướng giảm sẽ chiếm ưu thế!

Kết thúc giai đoạn cơ cấu của hai quỹ ETF, ông Trần Anh Thắng – Trưởng phòng Phân tích và tư vấn đầu tư của CTCK Đại Dương (OCS) cho rằng: “Thị trường tuần sau khi ETF cơ cấu danh mục nhiều khả năng sẽ suy giảm với dòng tiền chủ yếu tập trung vào nhóm Mid Cap”.

Ông Thắng cho rằng ngay sau khi các quỹ ETF công bố danh mục (thêm vào, loại ra và thay đổi tỷ trọng một số cổ phiếu) thì thị trường sẽ có một nhịp tăng, điều này được lý giải là do tâm lý thị trường khi xuất hiện thông tin.

Tuy nhiên, tại các cổ phiếu có thay đổi trong rổ danh mục của hai quỹ ETF thì biến động giá không nhiều trong hai tuần cơ cấu vừa qua và chủ yếu chỉ tập trung vào phiên cuối cùng của kỳ cơ cấu (20/06). Trong khi đó, về cuối đợt cơ cấu, một số mã trụ cột dẫn dắt thị trường cho dấu hiệu suy giảm hay thậm chí đã giảm khá sâu. Điều này là nhân tố báo trước cho một xu hướng giảm, ông Thắng nhận định.

Với những biến động đó, ông Thắng cho biết tâm lý thị trường sẽ là khá bi quan và trong tuần tiếp theo, sau đợt cơ cấu của hai quỹ ETF, thị trường sẽ không còn được như hai tuần vừa qua (tăng điểm) mà xu hướng giảm sẽ chiếm ưu thế. VN-Index sẽ kiểm định lại ngưỡng hỗ trợ 550 điểm.

Trở lại với diễn biến của các cổ phiếu trong thời gian qua, ông Thắng cho rằng đã có sự “phân hóa”. Sự phân hóa diễn ra khi thị trường bắt đầu rơi vào giai đoạn dòng tiền không ổn định với một số thông tin như tỷ giá (phá giá 1%) hay vấn đề về biển Đông.

Về dòng tiền, ông Thắng cho rằng trong thời điểm các tháng trước có sự thăng hoa chủ yếu do nhà đầu tư sử dụng margin nhiều. Còn gần đây, khi thị trường có dấu hiệu suy thoái thì dòng tiền do margin bị cắt giảm mạnh kết hợp với dòng tiền thực đã rút ra làm sự phân hóa đồng đều bị phá vỡ, thay vào đó chỉ còn một lượng nhỏ dòng tiền trong thị trường đóng vai trò giữ nhịp (điều tiết thị trường).

Với lượng tiền chỉ còn ở mức thấp, để có thể giữ nhịp cho thị trường bắt buộc phải có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm cổ phiếu, sự phân hóa này tập trung vào các cổ phiếu lớn mang tính dẫn dắt hay các nhóm ngành dẫn dắt thị trường đầu tiên. Và khi duy trì sự bền vững ở nhóm này, dòng tiền sẽ cho dấu hiệu dịch chuyển qua nhóm các cổ phiếu penny và Mid Cap. Đây là sự lý giải vì sao chỉ có một số nhóm cổ phiếu hay một số nhóm ngành thay nhau tăng điểm trong thời gian gần đây”, ông Thắng phân tích thêm.

Theo ông Thắng, việc phân hóa này cho thấy tâm lý thị trường tương đối yếu và dòng tiền vào thị trường cũng không còn đủ mạnh để giữ cho thị trường giao dịch ở mức trên 2,000 tỷ đồng/phiên. Đây là điều nhà đầu tư nên quan tâm, việc dòng tiền có dấu hiệu rơi vào cổ phiếu penny và Mid cap thì thị trường sẽ không có dấu hiệu gia tăng bền vững.

Theo đó, sự phân hóa này sẽ giữ đến giữa tháng 7 chứ không chỉ ngắn hạn trong tuần tới (23-27/06). Điều này còn khiến giá trị giao dịch trong tuần 23-27/06 chỉ loanh quanh mức 1,000 tỷ đồng/phiên và hoạt động mua bán của nhà đầu tư nội sẽ giảm khoảng 30-40% so với hai tuần mà ETF cơ cấu danh mục.

Trên cơ sở những nhận định đưa ra, ông Thắng khuyến nghị với những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu thì có thể lợi dụng những phiên thị trường hưng phấn (những phiên khối ngoại tham gia giao dịch nhiều) để bán ra chốt lời hoặc cắt giảm một phần danh mục.

Đối với nhà đầu tư chưa tham gia hoặc đã bán hết danh mục thì khi thị trường giảm về vùng hỗ trợ 545 - 555 điểm có thể tham gia giải ngân vào những mã Mid Cap có kết quả kinh doanh tốt hay những cổ phiếu của những ngành có những thông tin hưởng lợi như Chứng khoán, Điện, Hàng tiêu dùng.

Duy Hoàng

Công Lý