Siết chặt quản lý chất lượng thép

Siết chặt quản lý chất lượng thép

Ngày 18-6, tại TP.HCM, Bộ Công Thương đã chủ trì Hội nghị hướng dẫn Thông tư liên tịch số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN ngày 31-12-2013 của Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu.

Theo Bộ Công Thương, từ ngày 1-6, thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu phải tuân theo các quy định tại Thông tư liên tịch số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN, nhằm siết chặt quản lý chất lượng thép.

Theo đó, đối với thép nhập khẩu, tổ chức, cá nhân nhập khẩu thép phải công bố tiêu chuẩn áp dụng (tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam (TCVN), tiêu chuẩn quốc gia của các nước, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực) cho hàng hóa trong hợp đồng nhập khẩu.

Thép nhập khẩu phải được đánh giá sự phù hợp bởi tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.

Cơ quan Hải quan căn cứ vào quyết định miễn, giảm kiểm tra chất lượng thép của Bộ Công Thương để làm thủ tục thông quan. Đối với thép quy định tại Phụ lục II Thông tư này, tổ chức, cá nhân nhập khẩu thép phải bổ sung thêm giấy tờ, gồm:

Bản đăng ký mục tiêu, năng lực sản xuất có xác nhận của Bộ Công Thương (trường hợp tổ chức, cá nhân nhập khẩu thép đồng thời là người sử dụng thép). Trình tự, thủ tục xác nhận năng lực, mục tiêu sử dụng thép; Hợp đồng mua bán hoặc ủy quyền nhập khẩu với người sử dụng (trường hợp tổ chức, cá nhân nhập khẩu thép không phải là người sử dụng thép).

Cơ quan Hải quan chỉ thông quan khi tổ chức, cá nhân nhập khẩu cung cấp đầy đủ hồ sơ theo quy định. Tổng cục Hải quan có trách nhiệm giám sát, thống kê tình hình nhập khẩu thép thuộc Danh mục quy định tại Phụ lục II Thông tư này và hàng quý, gửi báo cáo về Bộ Công Thương.

Điều kiện bảo đảm chất lượng thép sản xuất trong nước, tổ chức, cá nhân sản xuất thép trong nước phải công bố sản phẩm phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng theo quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12-12-2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Trường hợp chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tổ chức, cá nhân sản xuất thép trong nước có trách nhiệm công bố TCVN, tiêu chuẩn quốc gia của các nước, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực cho sản phẩm, hàng hóa.

Căn cứ đặc thù của từng loại thép, Bộ Công Thương ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quá trình sản xuất. Tổ chức, cá nhân sản xuất thép trong nước có trách nhiệm áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này. Việc chứng nhận hợp quy do tổ chức chứng nhận được chỉ định thực hiện.

Tại hội nghị, đại diện Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ đã hướng dẫn giải đáp một số vướng mắc của cơ quan Hải quan và các doanh nghiệp về một số loại hình đặc thù, như tạm nhập, tái xuất; thép nguyên liệu nhập khẩu…

Lê Thu

hải quan