Vận tải biển trước căng thẳng biển Đông: Không nên quá lo ngại

Vận tải biển trước căng thẳng biển Đông: Không nên quá lo ngại

Thời gian qua, khi Trung Quốc có những hành vi ngang ngược trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, bên cạnh những lo ngại về bất ổn an ninh chính trị, nhiều DN XNK đã nghĩ đến những khó khăn trong vận tải đường biển. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, mọi hoạt động vẫn đang diễn ra hết sức bình thường.

Tình hình căng thẳng trên biển Đông vẫn hiện chưa có ảnh hưởng đến các hoạt động giao thương.

Hầu hết những DN chuyên về XNK khi được hỏi đều cho biết, mọi vấn đề về giao thương, XNK hay vận tải đường biển đều đang diễn ra bình thường, chưa thấy có gì bị ảnh hưởng như cấm tàu, tăng phí vận tải, hàng hóa không lưu thông…

Nói về vấn đề này, ông Phan Thông, Tổng thư ký Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam cho biết, hiện vẫn chưa thấy tình hình biển Đông ảnh hưởng gì đến hoạt động vận tải. Cũng tương tự, bà Phạm Diệu Hằng, Trưởng phòng XNK, Công ty TNHH Yakjin Việt Nam cho hay, tình hình XNK hiện chưa có gì ảnh hưởng, ngay cả trong hoạt động kinh doanh, công ty có một số lao động người Trung Quốc cũng đã quay trở lại làm việc bình thường sau những lo ngại về các cuộc biểu tình ở Bình Dương hay Hà Tĩnh.

Dù các hoạt động diễn ra bình thường nhưng những lo lắng của nhiều DN về giao thương sẽ gặp khó trên biển Đông vẫn luôn hiện hữu. Tuy nhiên, đại diện của Hiệp hội vận tải TP Hà Nội cho rằng, thế giới có 45% hàng hóa vận chuyển qua biển Đông, nhưng sản lượng của Việt Nam không đáng kể nên không cần quá quan tâm đến vấn đề này.

Theo ông Trần Huy Hiền, Tổng thư ký Hiệp hội DN logistics Việt Nam, hiện tại vẫn là quá sớm để đưa ra dự báo về tình hình vận tải đường biển, nhưng nếu xảy ra tình huống xấu nhất thì những khó khăn các DN gặp phải đương nhiên sẽ không thể lường trước được.

Khi PV đặt câu hỏi về những căng thẳng biển Đông nếu dẫn đến tình huống xấu thì việc vận tải đường biển sẽ như thế nào, ông Trần Huy Hiền cho biết, đến lúc đấy, việc vận tải sẽ gặp rất nhiều khó khăn, chắc chắn các tàu chở hàng sẽ phải đi đường vòng khiến chi phí tàu biển tăng cao, giao thương bị cản trở. Các DN trong nước hay nước ngoài đều bị ảnh hưởng, đây sẽ là khó khăn quốc tế. Hiện lãnh hải quốc tế tàu bè đi lại tự do, còn nếu bị tuyên bố thành chủ quyền và bắt thu phí thì tất cả các DN có hàng hóa đi qua đều phải chịu như nhau.

Với giải pháp thay thế cho vận tải đường biển, ông Trần Huy Hiền nói: “Không thể giải quyết khối lượng hàng hóa khổng lồ của vận tải biển bằng đường hàng không, hơn nữa, chi phí cho vận tải hàng không cao hơn gấp nhiều lần nên các DN khó có thể thay thế được”. Cũng nói về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Phụ trách Giám sát hàng xuất, Công ty Cổ phần giao nhận vận tải Con Ong (Hà Nội) cho rằng, sử dụng vận tải hàng không sẽ mất chi phí gấp từ 5-10 lần so với đường biển tùy vào loại hàng hóa, điều này sẽ gây ra thiệt hại rất lớn về doanh thu của DN.

Mới đây, trên báo chí đăng tải một số thông tin về việc các tàu chở hàng phải thay đổi hướng đi khi qua vùng biển mà Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép. Theo đó, dù lịch trình không bị thay đổi nhiều nhưng các hãng tàu lo ngại việc có hàng trăm tàu bảo vệ, trong đó có cả tàu quân sự hoạt động trong phạm vi rộng gần đường hàng hải quốc tế sẽ ảnh hưởng lớn đến sự an toàn của các tàu chở hàng trọng tải lớn.

Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu - châu Á, Trung Đông - châu Á, biển Đông có 5 trong số 10 tuyến đường biển thông thương lớn nhất thế giới và được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới. Mỗi ngày có khoảng 150-200 tàu các loại qua lại biển Đông, trong đó có khoảng 50% là tàu có trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% là tàu có trọng tải từ 30.000 tấn trở lên.

(Theo tài liệu từ Trung tâm hợp tác nghiên cứu châu Á)


Hương Dịu

hải quan