Góc nhìn 01/08: Rủi ro vẫn còn rình rập

Góc nhìn 01/08: Rủi ro vẫn còn rình rập

Nhịp phục hồi vẫn còn khá yếu để củng cố xu hướng thị trường. Theo đó các chuyên gia nhận định rủi ro vẫn còn cao nếu thanh khoản chưa cải thiện và 600 tiếp tục là mốc thử thách.

Đang xác lập nền tảng tích lũy

CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): Thị trường vẫn đang trong quá trình xác lập nền tảng tích lũy và tăng/giảm trong biên độ vừa phải. Vì thế, cơ hội trading vẫn có thể xuất hiện nhưng không nhiều, và rủi ro vẫn tiềm ẩn ở mức cao.

Do đó, BSI khuyến nghị NĐT an toàn nên giữ nguyên trạng thái tài khoản, không vội vàng giải ngân vào thị trường, chờ xu hướng được hình thành rõ hơn. NĐT ưa rủi ro có thể xem xét mở vị thế ở những mã có cơ bản tốt và có tin tức hỗ trợ, nhưng với tỷ trọng vừa phải.

Nhịp hồi liệu đủ sức bứt phá vùng 600?

CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS): Thị trường phiên 31/07 tăng khá mạnh nhưng kỳ lạ là khối lượng giao dịch lại không hề tăng. Ngay đến từng cổ phiếu cũng vậy khi nhiều cổ phiếu có mức tăng rất mạnh nhưng thanh khoản cũng không hề tăng lên. Đây chính là câu hỏi cho nhịp hồi này, liệu nó có đủ sức mạnh để bứt phá qua vùng 600 điểm hay không?

Nhìn lại diễn biến ở những giai đoạn như tháng 04/2013, tháng 06/2013 hay tháng 3-4/2014 thì thị trường cũng có những nhịp hồi phục lại sau khi sụt giảm ở những mốc điểm nhạy cảm. Nhưng nhịp hồi phục này không đủ sức để kéo chỉ số lên cao hơn và hút thêm dòng dẫn đến là một chuỗi ngày giảm điểm dài phía sau đó.

Thị trường giai đoạn này cũng khá tương đồng và NĐT cũng nên quan sát thị trường trước khi hành động. Theo IVS, nếu như ở những phiên tới nỗ lực kéo chỉ số lên vùng 600 yếu đi, và áp lực bán xuất hiện mạnh hơn thì điều đó có thể sẽ xảy ra.

Khó duy trì đà phục hồi

CTCK SaigonBank Bejaya (SBBS): Với diễn biến hiện tại, VN-Index có thể lại thử thách mốc 600 trong tuần tới. Trong khi đó, áp lực bán ở khu vực 600-605 điểm rất mạnh; do đó VN-Index sẽ khó có thể duy trì được đà phục hồi nếu thanh khoản vẫn ở mức thấp.

MACD vẫn dịch chuyển ở dưới đường trung bình của nó và đạt mức 4,9; tín hiệu này vẫn ủng hộ cho xu hướng giảm. Stochastic Oscillator và RSI trở lại tăng nhẹ nhưng nó cũng vô nghĩa bởi vì thanh khoản rất thấp. Vì vậy, SBBS cho rằng các NĐT ngắn hạn vẫn nên đứng ngoài thị trường và chờ VN-Index thử thách lại khu vực 600-605 điểm.

Xu hướng chưa rõ ràng

CTCK FPT (FPTS): Mức tăng của phiên 31/07 không mang nhiều ý nghĩa về khả năng cải thiện xu thế do động cơ tăng giá không rõ ràng, nhiều mã hồi phục chủ yếu nhờ trạng thái tiết cung. Với diễn biến này thì rủi ro của thị trường vẫn ở mức cao, đặc biệt là với những cổ phiếu chưa có sự điều chỉnh sau nhịp tăng mạnh trước đó.

Hiện tại, thị trường vẫn đang thiếu những thông tin vĩ mô tích cực, trong khi đó ở góc độ doanh nghiệp thì thông tin về kết quả kinh doanh và chia cổ tức đang được công bố và dần bão hòa, sẽ khó có khả năng tạo bất ngờ và kỳ vọng từ yếu tố thông tin. Yếu tố níu giữ thị trường trên vùng giá cao hiện tại có lẽ là từ tâm lý do dự của NĐT trong bối cảnh xu thế tiếp theo chưa được xác nhận, bên bán vẫn chờ đợi để bán được giá tốt trong khi bên mua cũng e ngại với rủi ro điều chỉnh.

Theo đó, FPTS khuyến nghị NĐT duy trì tỷ lệ cổ phiếu thấp trong danh mục, với các danh mục ngắn hạn thì sẽ cần đặc biệt lưu ý đến rủi ro tâm lý thị trường chung có thể đột ngột chuyển biến xấu hơn nếu tiếp tục xuất hiện phiên giảm mạnh đột ngột như đầu tuần, đặc biệt là trong bối cảnh khối ngoại đang có dấu hiệu bán ròng trở lại.

Cần động lực từ thanh khoản

CTCK Đông Á (DAS): Với diễn biến tích cực phiên 31/07, các mã bluechips vẫn sẽ có thể là động lực cho sự tăng điểm của thị trường, nhưng dư địa trước mắt có thể không còn nhiều. Cả VN-Index và HNX-Index đều sắp tiếp cận trở lại các ngưỡng cản mạnh 600 điểm và 80 điểm, cũng là khu vực đang có sự hiện diện của đường MA100.

Nếu không có động lực đủ mạnh, từ sự tích cực trở lại của yếu tố thanh khoản, các ngưỡng cản này sẽ là những thử thách mạnh đối với xu hướng tiếp tục hồi phục của các chỉ số.

Trần Hạnh tổng hợp