Tiếp tục giải bài toán “tồn kho” cho ngành đường

Tiếp tục giải bài toán “tồn kho” cho ngành đường

Nếu các hoạt động chống buôn lậu được duy trì như thời điểm hiện nay, cùng với việc dừng cấp phép và quản lý tốt tạm nhập tái xuất đường thì lượng đường tồn kho từ nay đến cuối năm không đáng lo ngại đối với các nhà máy sản xuất đường trong nước.

Đẩy mạnh công tác chống buôn lậu

Hiện nay có tình trạng các doanh nghiệp buôn lậu sử dụng nhiều ghe tải trọng 50 - 100 tấn, tổ chức sang bao bì ngay trên ghe, tập kết đường Thái Lan nhập lậu neo đậu trên sông Bình Di phía bờ Campuchia sau đó dùng xuồng máy và ghe nhỏ chạy tốc độ cao chở hàng vượt sông qua các kho của doanh nghiệp dọc xã Khánh An, Khánh Bình và thị trấn Long Bình - An Giang, đưa lên xe tải chở về nội địa tiêu thụ. Các doanh nghiệp buôn lậu đường cát Thái Lan sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) của các công ty, nhà máy sản xuất đường trong nước, nhằm đối phó khi bị các lực lượng chống buôn lậu bắt. Thực chất phần lớn số DN xin đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất kinh doanh đường sát các cửa khẩu biên giới nhằm để đóng gói, hợp lý hóa đường nhập lậu về tiêu thụ nội địa…

Việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) vào ngày 19/3/2014, do trực tiếp Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là Trưởng Ban; Phó Trưởng Ban thường trực: Bộ trưởng Bộ Tài chính và các Phó Trưởng Ban: Bộ trưởng Bộ Công Thương; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thứ trưởng Bộ Công an, nhằm đẩy mạnh các hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ở các tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt là những điểm nóng đã đem đến kết quả tích cực đối với một số ngành hàng, trong đó có ngành đường.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng: Nếu khắc phục tình hình buôn lậu ở tuyến biên giới phía Nam thì thực sự giải quyết được phần nào nỗi lo tồn đọng của ngành đường… Hiện, Ban chỉ đạo 389, các cơ quan quản lý, lực lượng chức năng đang triển khai đồng bộ. Tuy nhiên, sự vào cuộc quyết liệt của các chính quyền sở tại sẽ là thiết thực và hiệu quả nhất.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng: Nếu khắc phục tình hình buôn lậu ở tuyến biên giới phía Nam thì thực sự giải quyết được phần nào nỗi lo tồn đọng của ngành đường… Hiện, Ban chỉ đạo 389, các cơ quan quản lý, lực lượng chức năng đang triển khai đồng bộ. Tuy nhiên, sự vào cuộc quyết liệt của các chính quyền sở tại sẽ là thiết thực và hiệu quả nhất.

Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), cho biết: Do công tác chống buôn lậu tại các điểm nóng như An Giang, Tiền Giang… đang được đẩy mạnh, có hiệu quả nên lượng đường nhập lậu về giảm đi, các nhà máy sản xuất đường đang rất phấn khởi. Nếu các hoạt động chống buôn lậu này được duy trì như thời điểm hiện nay thì mức tiêu thụ đường cho các nhà máy sẽ tăng, lượng đường tồn kho từ nay đến cuối năm không đáng lo ngại.

Giải nỗi lo của ngành đường

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, từ 15/6 đến 15/7/2014, lượng đường tiêu thụ là 91.050 tấn (cao hơn cùng kỳ năm trước 13.080 tấn). Lượng đường tồn kho tại các nhà máy đường đến ngày 15/7/2014 khoảng 457.890 tấn (cao hơn 13.080 tấn so với cùng kỳ năm 2013). Với lượng tồn kho đến nay, cùng với sản lượng dự kiến sản lượng đầu vụ 2014 - 2015 (300.000 tấn) và lượng nhập khẩu năm 2014 theo hạn ngạch thuế quan (77.300 tấn) thì nguồn cung đường từ nay đến cuối năm đạt 835.190 tấn.

Ông Hà Hữu Phái- đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam- đánh giá: Nếu lượng tiêu thụ từ nay đến cuối năm không tăng, trung bình ở mức 91.000 tấn/tháng thì có nghĩa hết năm 2014, lượng đường tồn kho sẽ ở con số gần 400.000 tấn. Đó là chưa tính đến lượng đường nhập lậu, đặc biệt là tạm nhập tái xuất đang là vấn đề mà ngành đường quan ngại nhất.

Cũng theo ông Phái, vừa qua, việc một số công ty kinh doanh có giấy phép kinh doanh tạm nhập tái xuất, được tái xuất mặt hàng đường qua cửa khẩu phụ đã khiến các công ty mía đường trong nước lo lắng, ảnh hưởng tới thị phần ở cửa khẩu Bản Vược, tỉnh Lào Cai. Nhất là, không loại trừ khả năng đường tạm nhập tái xuất quay lại tiêu thụ trong nước như đã xảy ra trước đây. Khi ấy, việc tiêu thụ đường do các nhà máy trong nước sản xuất trên thị trường nội địa chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Chia sẻ với những lo lắng của ngành đường, Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho biết: Sau khi có kiến nghị của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Bộ Công Thương đã ngừng cấp phép cho các DN có nguyện vọng được tạm nhập tái xuất mặt hàng đường. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Lào Cai để tăng cường quản lý về hoạt động tạm nhập tái xuất mặt hàng này. Như vậy, về cơ bản các lo lắng của ngành đường trong thời gian tới đang từng bước được tháo gỡ.

Quỳnh Minh

công thương