VN-Index có phá vỡ được vùng 600 – 630 điểm hay không?

VN-Index có phá vỡ được vùng 600 – 630 điểm hay không?

Nhiều nhà đầu tư đang cảm thấy phân vân khi VN-Index test lại vùng 600 – 630 điểm, vì trong quá khứ đã rất nhiều lần chỉ số quay đầu giảm điểm mạnh sau khi test vùng này.

Vùng 600 – 630 điểm đóng vai trò quan trọng về mặt chiến lược trading

Sự bứt phá của VN-Index trong nhiều tuần qua cho thấy khả năng thị trường đang tiếp tục xu hướng tăng trưởng dài hạn. Tuy nhiên, dưới góc độ kỹ thuật, vùng 600 – 630 điểm là vùng giá mà nhà đầu tư cần chú ý để phòng ngừa rủi ro ngắn hạn.

Vùng 600 – 630 điểm được coi là vùng kháng cự mạnh nhất và khó phá vỡ nhất hiện nay của VN-Index. Vùng này đã tồn tại từ tháng 05/2006 và kể từ thời điểm đó đến nay đã có tổng cộng 4 lần test diễn ra. Trong đó, đã có 3 lần thất bại và chỉ duy nhất một lần thành công vào tháng 12/2006. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là sự phá vỡ vào cuối năm 2006 đã tạo bước đệm mới cho sự bứt phá nhanh chóng và mạnh mẽ của VN-Index trong năm 2007.

Giới phân tích cũng đang so sánh một kịch bản tương tư như vậy trong giai đoạn hiện nay. Nếu VN-Index tiếp tục bứt phá và phá vỡ vùng 600 – 630 điểm thì khả năng kịch bản năm 2007 sẽ lặp lại. Còn nếu như vùng 600 – 630 điểm vẫn trụ vững thì nguy cơ có điều chỉnh mạnh sau đó giống như tháng 10/2009 hoặc tháng 03/2014 là khá cao.

Các điều kiện để vùng 600 – 630 điểm có thể bị phá vỡ

Thanh khoản tăng trưởng mạnh liên tục. Dựa vào việc nghiên cứu giai đoạn tháng 12/2006, người viết nhận thấy một trong những điều kiện để VN-Index có thể phá vỡ vùng 600 – 630 điểm là tăng trưởng khối lượng mạnh mẽ và liên tục.

Tại thời điểm phá vỡ vùng 600 – 630 điểm vào đầu tháng 12/2006, mức trung bình 20 phiên gần nhất của khối lượng đạt 4 triệu đơn vị và đã tăng gần gấp đôi so với 1 tháng trước đó.

Vì vậy, để kỳ vọng VN-Index có thể phá vỡ vùng 600 – 630 điểm trong thời gian tới thì khối lượng trung bình phải đạt tầm 150 – 200 triệu đơn vị.

Nhóm MA dài hạn trụ vững. Nhóm MA dài hạn (SMA100, SMA200...) luôn đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định xu hướng. Nếu nhóm này bị phá vỡ trong các đợt điều chỉnh ngắn hạn của VN-Index thì các đợt phục hồi sau đó thường yếu và đà giảm mạnh sẽ nhanh chóng quay trở lại.

Giai đoạn tháng 10/2009 là điển hình cho lập luận này. Sau khoảng 3 – 4 tuần điều chỉnh, VN-Index đã phá vỡ SMA 100 và ngưỡng này trở thành kháng cự mạnh. Mặc dù những đợt phục hồi ngắn hạn sau đó của VN-Index rất mạnh nhưng vẫn không thể vượt qua được SMA 100 và đà giảm lại tiếp diễn.

Khối ngoại mua ròng mạnh và liên tục. Đây có lẽ là điều kiện quan trọng nhất để VN-Index có thể phá vỡ vùng 600 – 630 điểm. Giao dịch của khối ngoại luôn có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của nhà đầu tư cá nhân cũng như tổ chức tại thị trường Việt Nam.

Trong suốt giai đọan tháng 12/2006, khối ngoại mua ròng liên tục (thể hiện qua việc chỉ số NetValForVN và EMA 20 ngày của nó liên tục duy trì trên mức 0). Điều này đã góp phần tạo nên động lực cho sự bứt phá mạnh mẽ và liên tục sau đó.

Kết luận: Thị trường đang trong giai đoạn tăng trưởng khá vững chắc và ổn định. Tuy nhiên, vùng kháng cự 600 – 630 điểm là khá vững chắc nên nhà đầu tư cần thận trọng nếu vùng này không bị phá vỡ trong những tuần tới.

Nguyễn Quang Minh